Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:58 (GMT +7)
Tín ngưỡng làng xã của người Tày ở Bình Liêu
Chủ nhật, 05/06/2022 | 10:09:53 [GMT +7] A A
Với cuộc sống tự cung tự cấp, hoạt động sản xuất, chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên nên hình thành ở người dân niềm tin vào một thế lực siêu nhiên, có thể bảo trợ cho bản thân mình và cây trồng, vật nuôi của họ. Theo đặc điểm cấp độ cư trú, tín ngưỡng làng xã của người Tày ở Bình Liêu thể hiện ở 3 cấp độ thờ gồm: Phi tỳ, Phi thó, Phi đình.
Phi tỳ là một vị thần trông coi, bảo vệ cho một hoặc một nhóm gia đình trong bản. Vị thần được thờ không có tên cụ thể. Nơi thờ thường ở một gốc cây gần nhà (hoặc nhóm nhà) nên Phi tỳ có tên gọi là “Cốc mạy đí pò tỳ quan” (Cây cổ thụ, ông quan đất).
Khi lập Phi tỳ để trông coi nhà hoặc nhóm nhà, người ta cho mời thầy đến làm lễ. Để thỉnh thần về, thầy có gọi: Cốc mạy đí pò tỳ quan, câu hỷ mâng mà kện cẩm có hò săn hử ăn lườn (hỏ ca lăng tài kỷ…) (Cây cổ thụ ông quan đất, tôi thỉnh ông về để coi sóc bảo vệ cho nhà (họ gì, thứ mấy…). Gia đình (nhóm gia đình) đặt lễ cúng vào chiều 30 Tết, hoặc ra Phi tỳ làm lễ nếu có những nghi lễ liên quan đến Phi tỳ. Nơi thờ thổ địa thường là một gốc cây cổ thụ, được coi là linh thiêng nên không ai dám chặt phá hoặc làm ô uế.
Người Tày cho rằng, thần thổ địa can dự đến sự vui buồn, sự tồn vong của bản, nên việc cúng lễ tạ ơn và cầu xin được diễn ra trong các dịp lễ tết, hay gia đình có việc trọng đại. Địa điểm tiến hành nghi lễ cúng thần thổ địa là ở gốc cây thờ thần thổ địa của bản. Đồ cúng gồm có một con gà trống, bánh chưng, hương, rượu và vàng mã được cắt từ giấy bản (giấy dó). Đồ lễ sau khi chuẩn bị xong sẽ được đặt xung quanh gốc cây (nơi thờ thổ địa). Sau đó, già làng sẽ thắp hương và rót rượu lần lượt vào các chén, vừa cúng vừa đọc bài cúng. Bài cúng đại ý cầu cho các gia đình luôn mạnh khỏe và mùa màng không bị thất bát. Sau khi hoàn thành bài cúng, người cúng sẽ dán một tờ giấy điều lên chỗ giấy cũ của năm trước để ý nói lên rằng năm nay làng đã tổ chức lễ cúng thần thổ địa.
Phi thó là vị thần phù trợ cho cả một bản, được lợp lều một mái để thờ. Mỗi bản có thể có nhiều nơi thờ Phi tỳ, nhưng chỉ có duy nhất một nơi thờ Phi thó. Đó là vị thần để người Tày gửi gắm ước nguyện. Tháng Giêng đến lễ Phi thó để cầu sức khỏe cho con người, cầu cho sự sinh sôi, nảy nở (Càu nhằn tinh - cầu cho con người đông con nhiều cháu); tháng hai đến cầu cho ruộng nương, mùa màng được tươi tốt (càu mác - cầu hạt). Vị thần này không có tên gọi cụ thể, chỉ là tên gọi chung chung nên khi thực hiện lời nguyện cầu ở Phi thó, thầy mo gọi: Cốc mạy thó pò thó công, dà nàng công (cây thổ công, ông thổ công, bà thổ công).
Phi đình là vị thần trông coi cho toàn xã. Thầy mo gọi “Pú đình dà nàng đình” (Ông quan đình, bà nàng đình) - không có tên của một nhân vật cụ thể.
Điểm giống nhau của Phi tỳ, Phi thó và Phi đình đều là các vị thần do người dân lập nên để gửi gắm ước nguyện cuộc sống bình an, con người sinh sôi, mùa màng bội thu. Những vị thần được thờ đều có tên gọi chung chung, không phải một nhân vật cụ thể.
Điểm khác nhau là ở quy mô (cấp) thờ. Phi tỳ ở cấp độ nhỏ nhất (gia đình hoặc nhóm gia đình), chỉ thờ một nhân vật Pò tỳ quan (ông thổ địa). Phi thó ở quy mô một bản, có lợp ngói một mái để thờ, nhân vật thờ là hai (pú thó công, dà nàng thó công - ông thổ công, bà thổ công). Phi đình được thờ trong một gian nhà nhỏ, quy mô cấp xã, thờ hai nhân vật (pú quan đình, dà nàng đình - ông quan đình, bà quan đình).
Hiện nay, ở các nhóm gia đình, các bản vẫn duy trì hình thức thờ Phi tỳ và Phi thó. Riêng Phi đình chỉ còn duy nhất ngôi đình Lục Nà (xã Lục Hồn), được phục dựng năm 2006 trên nền ngôi đình cũ tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn. Với tâm thức tín ngưỡng, đồng bào các dân tộc toàn huyện vẫn đến dâng hương tại đình vào mỗi dịp lễ hội. Điều đó đã khiến cho ngôi đình Lục Nà vốn là công trình tín ngưỡng cấp xã đã trở thành công trình tín ngưỡng chung của cả huyện.
Tô Đình Hiệu
Liên kết website
Ý kiến ()