Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 10:33 (GMT +7)
Biến đổi khí hậu - nhóm "nguy cơ cao"...
Chủ nhật, 08/06/2014 | 06:57:17 [GMT +7] A A
Ông Trưởng khu phố đi dự mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5-6 về, qua nhà tôi chơi, bảo:
- Chú có biết Liên hợp quốc nhằm vào đối tượng nào để kêu gọi bảo vệ môi trường không?
- Thì tất nhiên là với mọi người, mọi quốc gia trên hành tinh này rồi. Ai đang sống trong ngôi nhà chung Trái đất này mà chẳng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường - Tôi đáp. Ông Trưởng khu nhăn mặt:
- Nói như chú thì ai chẳng nói được! Là tôi nói tới những đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt, cần có sự giám sát thường xuyên vì họ dễ gây hậu quả nhất; hay như người ta thường nói, họ là nhóm “có nguy cơ cao”; giống như nhóm đối tượng gái mại dâm, nghiện ma tuý v.v.. thì “có nguy cơ cao” nhiễm HIV ấy!
- Vậy theo bác, nhóm “nguy cơ cao” mà Liên hợp quốc khuyến cáo phải đặc biệt quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường là ai?
- Theo tôi, đó là các… nhà giàu chú ạ! Chú để ý mà xem, chủ đề mà Liên hợp quốc đưa ra trong Ngày môi trường thế giới năm ngoái là “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”. Tôi hỏi chú, người nghèo ăn còn chẳng đủ, làm gì có thừa đâu mà sợ lãng phí, gây ô nhiễm môi trường? Còn chủ đề Ngày môi trường năm nay là: “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”... Tôi nghe nói sự biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng nước biển dâng có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân do khí thải từ các động cơ ô tô, xe máy, máy điều hoà v.v.. Thậm chí trên đài, báo còn tuyên truyền, nhắc nhở mọi người hãy tắt động cơ ô tô, xe máy khi dừng xe ở trước đèn đỏ để giảm bớt lượng khí thải... Tôi nghĩ chỉ có mấy ông bà giàu có mới không tiếc tiền, để xe máy, ô tô cứ “xình xịch” khi đang dừng thôi, đúng không nào? Vậy chẳng phải họ thuộc nhóm đối tượng “có nguy cơ cao” gây ra sự biến đổi khí hậu không?
- Bác nói thế e có “vơ đũa cả nắm” không đấy? Cái sự lãng phí, kể cả lãng phí thực phẩm hay lãng phí nhiên liệu xăng xe v.v.. đâu có phải do giàu hay nghèo! Đôi khi chính nhà giàu người ta lại có thói quen tiết kiệm hơn mấy anh con nhà nghèo ấy chứ! Tôi nghĩ, vấn đề ở đây không phải là giàu hay nghèo mà là ở cái ý thức của mỗi người. Việc họ không tắt động cơ lúc dừng xe trước đèn đỏ giao thông chỉ là “chuyện nhỏ”, ngay chuyện chờ cho đến khi đèn xanh bật lên mới qua đường người ta còn chẳng chấp hành nghiêm túc nữa là! Bác để ý mà xem, chỉ có 30 giây chờ đợi, nhưng người ta cứ nhấp nhổm, cứ phải xuất phát trước khi đèn đỏ tắt vài ba giây... Không biết chậm mấy giây thì có chết ai kia chứ?
- Ừ, nghe chú nói kể cũng phải! Dân ta quả có cái thói quen như thế thật; lúc thường thì kể cả thời gian, tiền của v.v.. cứ phung phí xả láng, nhưng lúc cần tiết kiệm, cái cần tiết kiệm thì lại chẳng tiết kiệm cho. Mà này, tôi cho rằng điều đó nó thể hiện “đẳng cấp” của xã hội văn minh đấy chú ạ. Vậy nên phải nói nhóm đối tượng “có nguy cơ cao” gây ô nhiễm môi trường, gây nên sự biến đổi khí hậu chính là những người thuộc “đẳng cấp văn minh thấp kém” chú nhỉ?
- Bác nói chí phải! Vấn đề là làm sao để “nâng cấp văn minh” cho họ, bởi xem ra còn nhiều người cần phải “đào tạo lại” lắm!
- Ờ, ờ...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()