Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:52 (GMT +7)
Làm giàu từ biển
Chủ nhật, 06/02/2022 | 09:55:23 [GMT +7] A A
Với trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển và hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Những năm qua, ngư dân Quảng Ninh đã tích cực vươn khơi bám biển, làm giàu từ ngư trường, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho muôn đời sau.
Vươn khơi bám biển, làm giàu
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các thành viên của Nghiệp đoàn Nghề cá Tiến Tới, xã Đường Hoa (huyện Hải Hà) vẫn đang tất bật cho chuyến khai thác cuối năm. Cùng các thuyền viên chuẩn bị ngư cụ và vật dụng thiết yếu cho một chuyến khai thác tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ, anh Lê Quý Trọng, Chủ tịch Nghiệp đoàn, cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân Tiến Tới tích cực vươn khơi, bám biển. Những tháng cuối năm, thời tiết ấm hơn mọi năm nên tình hình khai thác cũng khá thuận lợi. Đặc biệt, mực và đàn cá nổi cũng xuất hiện nhiều hơn nên sản lượng khai thác mỗi chuyến cũng khá cao. Có những mẻ lưới, tàu của tôi thu được hơn 2 tấn mực, cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Đây là chuyến cuối năm, chúng tôi dự kiến sẽ ra biển khai thác từ 15-20 ngày để kịp về đón Tết.
Trong câu chuyện xoay quanh tình hình ngư trường và việc thực hiện các quy định Luật IUU về chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không quy định, anh Trọng cho chúng tôi hay: Những năm trước đây, tàu khai thác của địa phương chủ yếu là tàu công suất nhỏ, khai thác tuyến lộng và ven bờ. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng to lớn của nghề khai thác thủy sản, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đóng mới tàu công suất lớn, vươn ra khai thác tuyến khơi. Đồng thời, để thực hiện nghiêm các quy định quốc tế, của ngành Thủy sản, Nghiệp đoàn được thành lập. Hiện nay, Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới có 26 tàu công suất lớn tham gia khai thác thuỷ sản tại vùng khơi Vịnh Bắc Bộ và khu vực Thượng, Hạ Mai (Cô Tô) với 168 thành viên, trong đó có một số tàu đóng mới với công suất 750CV. Các tàu khai thác của Nghiệp đoàn đã tích cực bám biển, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động khai thác, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển và tích cực tuyên truyền cho bà con ngư dân thay đổi phương thức khai thác, không sử dụng nghề cấm để khai thác theo hình thức tận diệt.
Tàu khai thác của ông Trần Văn Công, Nghiệp đoàn Nghề cá Tiến Tới, vừa trở về sau một chuyến khai thác trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Các thuyền viên đang bận rộn chuyển “thành quả” khai thác lên bờ cho các thương lái. Ông Công phấn khởi cho biết: Thời điểm này, thời tiết tương đối thuận lợi nên sản lượng khai thác của các tàu khai thác tuyến khơi khá cao. Chuyến này, tàu tôi ra khơi 7 ngày ở khu vực Vịnh Bắc Bộ đã khai thác được hơn 10 tấn thủy sản các loại, trong đó có khoảng 7 tấn cá tạp, hơn 2 tấn mực và hơn 1 tấn cá ngon. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bán có thấp hơn mọi năm nhưng cũng thu được hơn 200 triệu đồng. Giờ là thời điểm tôi cùng các thuyền viên về nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết.
Không chỉ các tàu khai thác tuyến khơi cho sản lượng cao mà các tàu khai thác tuyến lộng cũng có thu nhập khá. Vì theo bà con ngư dân, với chủ trương của Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất vươn ra khai thác tuyến khơi thì áp lực khai thác tuyến lộng và ven bờ đã giảm đi rất nhiều. Ngừng tay thu lưới, nhấp ngụm chè, ông Hứa Văn Gái, một lão ngư dân xã Vĩnh Thực, cho biết: Những năm trước, xuất hiện rất nhiều tàu của các địa phương khác đến vùng biển xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung (Móng Cái) khai thác thủy sản bằng nghề cấm. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của bà con ngư dân địa phương, sự quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chức năng, các hình thức khai thác thủy sản tận diệt, khai thác bằng nghề cấm trên vùng biển này đã được đẩy lui, đảm bảo cho người dân khai thác ổn định vùng lộng, khu vực ven bờ.
Bảo vệ, phát triển thủy sản bền vững
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho bà con ngư dân khai thác thuỷ sản, đặc biệt là đội tàu khai thác tuyến khơi. Số ngày bám biển của bà con ngư dân đạt từ 19-25 ngày/tháng đối với tàu khai thác ven bờ; 15-20 ngày/tháng đối với tàu khai thác xa bờ. Bên cạnh việc thời tiết và ngư trường khá thuận lợi, một số chính sách của Nhà nước hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, thiết bị bảo quản đã được triển khai đến bà con ngư dân, nên đã tăng hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác hải sản.
Hiện nay, toàn tỉnh có 7.966 tàu cá, trong đó có 6.447 tàu hoạt động tại vùng ven bờ; 1.243 tàu khai thác tuyến lộng và 276 tàu khai thác tuyến khơi. Để nâng cao hiệu quả khai thác cho bà con ngư dân, ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương phát bản đồ ngư trường, phân bố các loài thuỷ sản cho ngư dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác, triển khai các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên các vùng biển xa; tuyên truyền các quy định về đánh bắt thủy sản... để bà con thuận lợi vươn khơi bám biển.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Với những giải pháp quyết liệt trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, năm 2021, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 149.890 tấn, tăng 3,75% so với cùng kỳ. Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành 22 mô hình sản xuất trên biển, trong đó có 10 nghiệp đoàn nghề cá, 10 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển và 2 hợp tác xã với sự tham gia của 315 tàu cá, 1.334 thuyền viên. Năm 2021 không có tàu cá nào của tỉnh bị lực lượng nước ngoài bắt giữ xử lý. Các hoạt động kiểm tra và kiểm soát nghề cá được duy trì 24/24h trên các vùng biển trọng điểm. Toàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 1.724 vụ vi phạm các quy định về khai thác thủy sản.
Để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành đối với hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò trách nhiệm của hệ thống chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội và ngư dân. Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, xử lý những vi phạm, các địa phương cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, phát triển bền vững thủy sản. Cùng với đó, tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, trên cơ sở đó từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác cũng như định hướng phát triển của tỉnh.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()