Theo số liệu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến hết tháng 11, Hà Nội thu hút được gần 42,2 tỷ USD, đứng thứ ba cả nước về "điểm đến" của nhà đầu tư ngoại. Nhưng so với tháng 10, vị trí của Thủ đô tụt một bậc.
Thay vào đó, Bình Dương vượt Hà Nội, ở vị trí thứ hai với 42,39 tỷ USD.
Hiện Bình Dương có gần 4.400 dự án FDI, tại 29 khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tỷ lệ thuê đất tại các khu công nghiệp của tỉnh này đạt trên 93%. Để thu hút vốn ngoại, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, họ cam kết đơn giản thủ tục hành chính, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, nhân lực và phát triển các dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp
TP HCM vẫn dẫn đầu cả nước với 58,45 tỷ USD, tăng thêm 127 triệu USD so với tháng trước đó.
Một thay đổi khác nhóm dẫn đầu thu hút FDI là Bắc Ninh vượt Hải Phòng, ở vị trí thứ sáu với 30,77 tỷ USD. Các dự án mới hoặc mở rộng trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, như Amkor Technology tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD, Goertek và Foxconn rót lần lượt 280 triệu USD và hơn 383 triệu USD... cho thấy sức hút của Bắc Ninh với các đại gia ngoại.
Riêng 11 tháng đầu năm nay, tỉnh này là "nam châm" hút FDI lớn nhất cả nước với 5,04 tỷ USD, tăng gấp 3 lần cùng kỳ.
Các địa phương trong top 10 khác là Đồng Nai với 37,2 tỷ USD, Bà Rịa - Vũng Tàu (36,49 tỷ USD), Quảng Ninh (15,65 tỷ USD), Thanh Hóa và Long An lần lượt 15,54 tỷ USD và 14,22 tỷ USD.
Lũy kế 11 tháng, cả nước có 41.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 497 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt gần 319 tỷ USD.
Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với 89,11 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn. Theo sau là Singapore với 82,3 tỷ USD, Nhật 77,64 tỷ USD và Đài Loan (Trung Quốc) 40,87 tỷ USD.
Vốn vào công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn là ngành dẫn đầu hút nhà đầu tư ngoại, trên 20 tỷ USD
Bất động sản có thêm hơn 5,6 tỷ USD, tăng 89% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thị trường địa ốc khởi sắc trở lại, thu hút quan tâm từ các doanh nghiệp FDI.
Ý kiến ()