Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:50 (GMT +7)
Bình Liêu: Đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo
Thứ 7, 04/05/2024 | 12:18:45 [GMT +7] A A
Nhằm giảm sự chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền trên địa bàn huyện, thu hẹp dần khoảng cách giáo dục đối với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, Bình Liêu đã đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong tình hình mới.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", trong đó huyện Bình Liêu xác định phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ trọng tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 16/7/2021 về phát triển GD&ĐT nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 4 khâu đột phá là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nâng cao chất lượng đầu vào các cấp học, nhất là chất lượng đầu vào lớp 10 THPT; quan tâm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh; tập trung bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, học sinh năng khiếu.
Huyện tiếp tục thực hiện “Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với hệ thống cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND huyện Bình Liêu đến năm 2025”. Hằng năm, triển khai rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bố trí, sắp xếp, điều chuyển, luân chuyển hợp lý. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Tính đến tháng 12/2023, toàn huyện có 95% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 23,3% đạt trên chuẩn (71,5% giáo viên mầm non đạt trình độ trên chuẩn; 0,31% giáo viên tiểu học đạt trình độ trên chuẩn; 1,87% giáo viên THCS đạt trình độ trên chuẩn); còn 41 giáo viên, nhân viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo (chiếm 5%); 100% cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, lý luận chính trị.
Song song với đó, cơ sở vật chất được Bình Liêu quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới. 100% cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng đồng bào DTTS và thực hiện học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Tổng số phòng học kiên cố: Mầm non 137/144, tiểu học 177/248, THCS: 92/95. Đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư cải tạo, xây mới các trường học, đáp ứng điều kiện trường đạt chuẩn xây dựng NTM và thực hiện chủ trương xây dựng trường chất lượng cao mỗi cấp học (năm 2023, đầu tư dự án Trường Tiểu học Tình Húc thị trấn Bình Liêu). Toàn huyện hiện có 24/24 cơ sở giáo dục đã được đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 100%; trong đó có 7/24 trường đạt chuẩn mức độ 2, chiếm 29,16%. Tỷ lệ trường chuẩn đạt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh.
Bình Liêu tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học của học sinh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và giáo dục thông minh. Trong đó, tập trung phát triển các chủ đề dạy học, giáo dục gắn với đặc thù kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương để tiếp tục thực hiện việc chuyển giáo dục từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào DTTS nhằm giải quyết tình trạng người mù chữ, tái mù chữ, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đồng thời, tạo cơ hội cho thanh thiếu niên và người lớn tuổi chưa biết chữ được học các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc thông viết thạo tiếng Việt và làm tốt một số phép tính cơ bản.
Năm 2024 huyện sẽ mở 11 lớp học xóa mù chữ mức độ 1, 2 với số lượng 200 học viên cho bà con các dân tộc Bình Liêu; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng và số lượng giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Tiêu biểu như tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS năm 2024 Bình Liêu có 84 em học sinh tiêu biểu đến từ các trường có cấp THCS trong huyện tham gia thi các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Đã có 52 học sinh đạt giải tại kỳ thi, gồm: 2 giải nhất, 7 giải nhì, 23 giải ba, 20 giải khuyến khích. Với kết quả này, huyện Bình Liêu là địa phương có 3 môn có điểm thi trung bình cao nhất tỉnh (Toán, Hoá học, Lịch sử) và có tỷ lệ học sinh đạt giải cao nhất toàn tỉnh. Kết quả này cho thấy chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh tại các nhà trường được chú trọng và có chuyển biến tích cực.
Đồng thời huyện triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dạy và người học ở xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập 100% học phí năm học 2021-2022, năm học 2022-2023 theo quy định tại Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh đối với học sinh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới được đảm bảo.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()