Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:19 (GMT +7)
Bình Liêu dồn lực xây dựng nông thôn mới chặng nước rút
Thứ 4, 30/11/2022 | 08:56:54 [GMT +7] A A
Xây dựng nông thôn mới (NTM), khó khăn nhất của huyện Bình Liêu là kết cấu hạ tầng, công trình phục vụ sản xuất, bởi kinh phí đầu tư lớn do kết cấu địa hình phức tạp, tập quán canh tác còn lạc hậu... Huyện nhìn nhận rõ vấn đề, từ đó đã có những giải pháp cụ thể để phấn đấu về đích NTM trong năm 2022.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, trên 96% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Kết quả rà soát đầu năm 2022, huyện còn 1.571 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều, chiếm 20,4% tổng số hộ dân toàn huyện; 1.226 hộ còn thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh... Đây là những trở ngại rất lớn cho huyện trên hành trình về đích NTM năm 2022.
Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU (ngày 27/1/2022) "Xây dựng huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022”; kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện giai đoạn 2021-2025; phân công nhiệm vụ từng đồng chí ủy viên BTV Huyện ủy, BCH Đảng bộ huyện, thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí, địa bàn cụ thể; thành lập 7 tổ công tác phụ trách kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện...
Từ đầu năm, huyện phát động phong trào chung sức xây dựng NTM nhằm huy động tổng lực sự vào cuộc của cán bộ, công chức, người dân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thay đổi từ tư duy đến hành động, nhất là ở một số thôn, bản khó khăn, biên giới.
Ông Dương Ngọc Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, cho biết: Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, qua các phương tiện truyền thông, hệ thống loa phát thanh, trang mạng xã hội zalo, facebook, họp chi bộ, họp thôn... Qua công tác nắm tình hình, hầu hết người dân đồng thuận với chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, cam kết với thôn, bản thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM.
Xã Lục Hồn hầu hết là người dân tộc Tày, số hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều nhất huyện (rà soát đầu năm 2022 có 422 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ 36%; địa hình chia cắt, sống biệt lập, trình độ dân trí thấp. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, cán bộ xã cùng với cán bộ thôn, bản gặp gỡ, trao đổi với người dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM.
Ông Loan Thành Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, cho biết: Người dân làm gì, Nhà nước làm gì trong xây dựng NTM là những nội dung được cán bộ xã trao đổi thẳng thắn với người dân. Quan trọng nhất là nhằm thay đổi tập quán canh tác manh mún của bà con, hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây, con giống có chất lượng, phù hợp với khung thời vụ, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, để sản xuất, nâng cao kinh tế gia đình, từng bước làm chủ cuộc sống.
Ông La Ngọc Hoàn (thôn Cốc Lồng) chia sẻ: "Gia đình tôi là một trong những hộ nghèo, được sự quan tâm của địa phương đã thay đổi phương thức sản xuất, nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, kinh tế phát triển...".
Từ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã Lục Hồn và đặc biệt sự thay đổi tư duy, cách thức làm ăn của người dân, số hộ nghèo, cận nghèo ở xã Lục Hồn đã giảm nhanh chóng. Tính đến hết tháng 10/2022, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 17 hộ, giảm 405 hộ so với hồi đầu năm.
Gỡ khó từng tiêu chí
Qua rà soát, đến hết tháng 10/2022, bình quân các xã của huyện đạt 16,83/19 tiêu chí, 53,33/57 chỉ tiêu xây dựng NTM, tăng 3 tiêu chí, 9,33 chỉ tiêu so với đầu năm; các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt là thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường, chất lượng cuộc sống. Huyện đạt 5/9 tiêu chí, 27/36 chỉ tiêu, tăng 2 tiêu chí, 8 chỉ tiêu so với đầu năm 2022; các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt là văn hóa - y tế - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện chỉ đạo cho các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn rà soát, nắm chắc những chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu và yếu, từ đó có biện pháp cải thiện. Trong đó yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, phải tiên phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với từng phần việc thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức mình. Huyện quyết tâm năm 2022 về đích NTM.
Cùng với cải thiện về hạ tầng kỹ thuật, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở. Đến thời điểm này, huyện có 223 hộ nghèo cần được xây mới nhà ở mới để đạt tiêu chí. Trong năm 2022 có 170 hộ đăng ký nhận hỗ trợ xây mới ở, đến nay có 166 hộ cơ bản hoàn thành; những hộ còn lại hoàn thành trong năm 2023.
Để cải thiện tiêu chí về thu nhập, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, thành lập các HTX, nâng cao chất lượng các nông sản địa phương, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH huyện, từ đầu năm đến nay đã có 745 hộ vay vốn hỗ trợ sản xuất với tổng số tiền 51 tỷ đồng. Nguồn vốn này được người dân đầu tư phát triển sản xuất với các giống cây, con chủ lực của địa phương và khai thác lâm sản ngoài gỗ. Năm 2022, các tổ chức, hộ gia đình ước khai thác 34.566m3 gỗ rừng trồng (bằng 118% so với năm 2021); 810 tấn nhựa thông (105%); 925 tấn hoa hồi khô (117%); 420 tấn quế vỏ khô (85%); 600 tấn hạt sở (bằng 91,3% so với năm 2021).
Cùng với các giải pháp trên, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ nhà tiêu không hợp vệ sinh. Đây là một trong những chỉ tiêu cứng mà huyện đang gặp nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn huyện còn 1.226 hộ gia đình thiếu nhà vệ sinh. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đến nay có 1.168 hộ gia đình đăng ký xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, các hộ còn lại đang tiếp tục được vận động triển khai, phấn đấu hết năm 2022 đạt chỉ tiêu này.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết: Qua đánh giá của Văn phòng, các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM của huyện Bình Liêu đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là tiêu chí giảm nghèo. Đầu năm toàn huyện còn 1.571 hộ nghèo, đến tháng 11/2022 giảm còn 154 hộ. Đây là tiêu chí then chốt giúp cho Bình Liêu đạt NTM năm 2022.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung sức đồng lòng của người dân, dự kiến hết năm 2022 Bình Liêu cán đích huyện NTM. Đây là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thời gian tiếp theo.
Huyện Bình Liêu tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hội xây dựng NTM năm 2022 trên 12,8 tỷ đồng; 1.100 tấn xi măng, 24.000 viên ngói, 200.000 viên gạch. |
Mạnh Trường
- Xã nông thôn mới Thanh Sơn
- “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới
- Bí thư chi bộ tâm huyết với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
- Chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao
- UBND tỉnh họp đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU
- Hải Hà: Dấu ấn xây dựng nông thôn mới nâng cao
Liên kết website
Ý kiến ()