Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:05 (GMT +7)
Bình Liêu khởi sắc mới
Thứ 7, 18/11/2023 | 14:43:51 [GMT +7] A A
Bình Liêu là địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Ninh đang chờ xét duyệt công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau hơn 12 năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt của huyện Bình Liêu đã có những đổi thay vượt bậc, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Huyện Bình Liêu đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 đạt huyện chuẩn NTM nâng cao.
Một thực tế khi bước vào xây dựng NTM ở huyện miền núi Bình Liêu để hoàn thành 19 tiêu chí NTM đối với các xã là rất khó khăn, bởi lẽ các xã địa hình tương đối phức tạp, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập của người dân thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và yếu, sản xuất chậm phát triển. Đặc biệt, thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM, bình quân mới đạt từ 2-3 tiêu chí/xã. Thậm chí có xã còn bị trắng tiêu chí NTM. Đó chính là nguyên nhân tác động đến kết quả ở giai đoạn đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM về chỉ tiêu số xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch của huyện đã đề ra.
Để tạo thành phong trào thi đua trong xây dựng NTM ở các xã, thôn, huyện Bình Liêu bám sát sự chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Đề án xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010-2020; điều chỉnh lại cơ cấu vốn đầu tư cho phù hợp thực tiễn, theo hướng giảm cơ cấu vốn từ ngân sách, tăng tỷ trọng cho hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời huyện đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững; Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM của huyện giai đoạn 2011-2015, 2016-2020; Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các xã đến năm 2020; Nghị quyết về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển các loại hình du lịch cộng đồng mang bản sắc văn hoá vùng miền…
Bình Liêu xác định rõ, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt; bản sắc văn hoá là nền tảng; nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn là động lực. Vì vậy, ngay khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng NTM xã giai đoạn 2011-2015, huyện tập trung rà soát lại tất cả các hạng mục đầu tư hạ tầng để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Đến hết năm 2022, gần như 100% các tuyến đường trục xã, thôn, ngõ xóm được bê tông hóa hoặc nhựa hoá; 97/97 thôn có nhà văn hóa đảm bảo điều kiện hoạt động cho nhân dân tổ chức hội họp, sinh hoạt, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; 90,64% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt.
Ông Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho biết: Dù là xã cuối cùng của huyện được công nhận xã NTM cuối năm 2022, tuy nhiên, ngay sau khi đạt xã NTM, Đồng Tâm đã đề ra mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành và đạt NTM nâng cao. Vì thế, để hoàn thành mục tiêu đề ra thì trong hàng loạt các việc cùng triển khai, xã lấy việc nâng cao thu nhập cho người dân làm nhiệm vụ trọng tâm và cách làm của xã là kiên trì vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, khi những hộ dân đã thành công trong phát triển các mô hình kinh tế, xã giao cho cán bộ thôn phải có trách nhiệm vận động người dân cùng nhau liên kết nhân rộng các mô hình. Qua đó nhiều tiêu chí cứng trong xây dựng NTM nâng cao đã hoàn thành, nhất là tiêu chí về thu nhập của người dân đến nay đã đạt bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm.
Khác với xã Đồng Tâm, xã Lục Hồn đã hoàn thành và đạt xã NTM từ năm 2020, nhưng hiện Lục Hồn vẫn là xã có tỷ lệ thôn nhiều hộ nghèo, cận nghèo cao nhất huyện. Vì vậy, trong giải pháp giảm hộ nghèo của xã là trước khi triển khai thí điểm các mô hình kinh tế, xã chọn lựa những hộ gia đình có ý chí vươn lên, có điều kiện kinh tế để thực hiện mô hình; vận động người dân thành lập các tổ liên kết sản xuất. Từ cách làm này, đến nay trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả như mô hình trồng cây dâu tây, dưa chuột trong nhà lưới, Nhà nước hỗ trợ một phần vốn, người dân góp đất và làm công không chỉ đem lại về thu nhập, mà còn tạo nên sự đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời gian đầu mô hình mới chỉ gần 1.000m2 thì nay số diện tích đó đã tăng lên gần 2ha với hàng chục hộ gia đình tham gia, và doanh thu từ mô hình này mỗi năm đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hiện huyện Bình Liêu đã hình thành được vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương với trên 345ha cây dong riềng, trên 7.000ha cây hồi, trên 400ha cây sở, trên 12.000ha cây thông, 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, Bình Liêu giờ đây đã đánh thức các tiềm năng từ những thửa ruộng bậc thang, rừng hồi, rừng quế, rừng sở, nét văn hóa độc đáo để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biên giới và mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách, góp phần tăng thêm nguồn thu cho chính người nông dân.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()