Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:00 (GMT +7)
Bình Liêu: Làm giàu từ những mô hình kinh tế hiệu quả
Thứ 3, 26/03/2024 | 20:55:39 [GMT +7] A A
Từ một huyện miền núi biên giới với xuất phát điểm thấp, thu nhập của người dân gần 9 triệu đồng/năm, trên 60% hộ nghèo và cận nghèo, nay Bình Liêu đã vươn lên trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập cao.
Khai thác lợi thế đất đai, khí hậu và tự nhiên của vùng đất này, năm 2022, ông Hoàng Phúc Hiếu, thôn Lục Nà, xã Lục Hồn đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng trên 5.000m2 cây dâu tây vào vụ đông. Do được trồng trên đồng đất ngoài trời, kết hợp ứng dụng trồng theo quy trình phủ nilon đen để tránh cỏ mọc, phun tưới nước tự động tạo độ ẩm trong đất cùng điều kiện tự nhiên rất phù hợp nên dâu tây của gia đình ông quả tươi, giòn, vị đậm, thơm ngon… Không chỉ cung ứng quả cho thị trường, ông Hiếu còn nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng, thực hiện mô hình du lịch trải nghiệm tham quan vườn kết hợp với hái quả. Với sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, những thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất, mô hình của gia đình ông Hiếu không chỉ mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, lan tỏa ý chí làm giàu trên địa bàn.
Chị Hoàng Thị Lý, thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, chia sẻ: Chúng tôi làm việc tại trang trại của gia đình ông Hiếu ngay từ những ngày đầu triển khai mô hình. Đến nay, mô hình phát triển ổn định, thu nhập của chúng tôi đạt từ 200.000-250.000 đồng/ngày, qua đó giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Ông Hoàng Phúc Hiếu, cho biết: Nhận thấy những tiềm năng của vùng đất này, tôi là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn đầu tư trồng cây dâu tây. Những cánh đồng dâu tây ở Bình Liêu chín đỏ đã trở thành sản phẩm nông nghiệp được nhiều người ưa thích. Do đó, tôi cũng kết hợp du lịch, cho du khách tham quan, hái dâu, thưởng thức dâu ngay tại vườn. Hiện nay, mỗi năm vườn dâu cho gia đình tôi doanh thu từ 400-500 triệu đồng.
Những cá nhân, tấm gương, mô hình điển hình làm giàu ngày càng phổ biến ở Bình Liêu. Câu chuyện của những lá đơn thoát nghèo cho đến hành trình vươn lên làm giàu của người dân huyện miền núi biên giới này là minh chứng sống động cho thấy sự thay đổi căn bản trong tư duy, nhận thức của nhân dân, từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động phát triển sản xuất, làm chủ cuộc sống và làm giàu. Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đạt 70,52 triệu đồng/người/năm (trong đó khu vực nông thôn đạt 65,2 triệu đồng, tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2020). Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Bức tranh đầy sức sống của Bình Liêu hôm nay chính là thành quả của sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh dành cho huyện miền núi biên giới này. Trên cơ sở các nghị quyết, cơ chế, chính sách, tỉnh đã ưu tiên, phân bổ nguồn lực để triển khai các chương trình tín dụng, chuyển từ cơ chế “cho không” sang cho vay, tạo động lực để người dân vay vốn, phát triển sản xuất. Đây cũng là động lực quan trọng để khơi dậy sự tự tin, tự hào, tự tôn của chính những người làm chủ nông thôn mới.
Ông Vi Hữu Ngạn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã luôn quan tâm bố trí vốn kịp thời để triển khai các chương trình tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn này đã tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lượt người lao động; 275 hộ nghèo xây dựng những căn nhà mới; 275 hộ tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nguồn vốn đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người dân, chủ động vay vốn phát triển sản xuất, có ý thức “có vay, có trả”. Hiện, toàn huyện có trên 3.700 lượt hộ còn dư nợ với tổng số tiền 283 tỷ đồng.
Trên cơ sở những kết quả đã có, với sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh, huyện cùng nội lực từ nhân dân, đời sống người dân sẽ tiếp tục nâng lên, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nhân dân hạnh phúc, đưa Bình Liêu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao vào năm 2025, góp phần chung tay kiến tạo một Quảng Ninh giàu đẹp.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()