Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:14 (GMT +7)
Bình Liêu: Nhiều mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao
Thứ 7, 05/10/2024 | 14:28:50 [GMT +7] A A
Thời gian qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới đã được huyện Bình Liêu đưa vào thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương.
Tháng 4 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phối hợp với phòng NN&PTNT; Trung tâm Dịch vụ kinh tế nông nghiệp huyện Bình Liêu khảo sát, lựa chọn địa điểm và chọn hộ gia đình ông Hoàng Phúc Hiếu, thôn Lục Nà, xã Lục Hồn để trồng thử nghiệm mô hình nho mẫu đơn.
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Nông - Lâm nghiệp (Đại học Nông - Lâm Bắc Giang) là đơn vị bảo hộ giống nho mẫu đơn để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ tham gia và các hộ ngoài mô hình. Tới nay, theo đánh giá bước đầu cây nho trồng sinh trưởng, phát triển khỏe, phù hợp với điều kiện sinh thái tại Quảng Ninh. Việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình trồng giống nho mới trên địa bàn huyện Bình Liêu sẽ góp định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các ngành nghề khác như: Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng… Qua đó, giúp khai thác có hiệu quả các tiềm năng về du lịch của các địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và tạo giá trị bền vững trong sản xuất.
Ông Hoàng Phúc Hiếu, thôn Lục Nà, xã Lục Hồn chia sẻ: Cây nho mẫu đơn được trồng đến nay đã hơn 4 tháng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Hiện tại, tôi đã thực hiện bấm ngọn kích thích quá trình ra nhánh (cấp 1, cấp 2) va tiếp tục các bước thụ phấn để theo dõi ra hoa, đậu quả. Dự kiến đến tháng 12/2024 cây nho sẽ bắt đầu cho quả. Trước đó, vào năm 2022 gia đình tôi cũng đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng trên 5.000m2 cây dâu tây vào vụ đông. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ nông nghiệp huyện, nên cây dâu tây phát triển tốt, quả tươi, mọng và hiện đang cho doanh thu ổn định khoảng 400 triệu đồng/năm. Tôi mong muốn, tỉnh và huyện sẽ tiếp tục có thêm những chính sách hỗ trợ, phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Tính riêng trong giai đoạn 2022-2024, huyện Bình Liêu đã phê duyệt 4 mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện. Các mô hình được đưa vào thực hiện bước đầu đã cho những kết quả khả quan, đáng ghi nhận và có thể thực hiện nhân rộng vào sản xuất trên địa bàn. Điển hình như, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa Japonica (J02) chất lượng cao vụ xuân năm 2023. Quy mô trồng với diện tích 2,5ha, triển khai tại thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn. Tổng kinh phí hỗ trợ mô hình là trên 51,4 triệu đồng. Qua theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện mô hình cho thấy, giống lúa J02 đẻ nhánh khỏe, số bông hữu hiệu cao, năng suất trung bình đạt 52,7 tạ/ha, cao hơn giống Việt Hưng đang sản xuất đại trà tại địa phương là 8,9 tạ/ha. Trong vụ xuân 2024, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền nhân dân đưa giống lúa J02 vào sản xuất.
Hay như mô hình nuôi cá Chạch Lấu thương phẩm, cũng được huyện triển khai trong năm 2023 với quy mô 600m2, tại gia đình ông Trần Quang Trình, khu Pắc Liềng, thị trấn Bình Liêu. Tổng kinh phí hỗ trợ là 115,6 triệu đồng. Hiện nay, qua theo dõi kiểm tra và nghiệm thu mô hình, chưa phát hiện bệnh đường ruột, nấm bệnh trên cá, tỷ lệ sống khoảng 66%; kích cỡ trung bình khoảng 35-40cm, trọng lượng trung bình 250-350g đạt và vượt mục tiêu mô hình đặt ra. Như vậy, mô hình nuôi cá Chạch Lấu phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp, dễ áp dụng, phù hợp với các hộ dân nông thôn ít đất sản xuất, vốn đầu tư thấp, cho hiệu quả kinh tế cao và có thể đưa vào sản xuất đại trà, nhân rộng.
Trong năm 2024, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện đã tham mưu đề xuất UBND huyện phê duyệt mô hình “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh hại trên cây hồi” và mô hình “Ứng dụng các biện nâng cao năng suất cây sở”. Trung tâm tiếp tục chỉ đạo chuyên môn rà soát lại các nội dung hạng mục để lập dự toán kinh phí đảm bảo theo định mức kỹ thuật và thời gian triển khai mô hình.
Hiện nay, huyện Bình Liêu đang đẩy mạnh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái - du lịch cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả đề án, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn sản xuất cho các đối tượng người dân về khoa học kỹ thuật, phát triển giống cây trồng, vật nuôi. Thực hiện lập kế hoạch xây dựng mô hình, chương trình hàng năm, lựa chọn các mô hình, chương trình mang tính cấp thiết, bền vững, có tiềm năng thị trường, có khả năng nhân rộng để ưu tiên thực hiện. Tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình, dự án cây, con mới cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ổn định trên thị trường để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn huyện. Xây dựng các chương trình, mô hình dự án khuyến nông dựa trên cơ sở bám sát chủ trương quy hoạch sản xuất nông nghiệp, từ đó khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, mang lại hiệu quả cao, bền vững về sinh thái gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()