Tất cả chuyên mục

Đến với huyện Bình Liêu bây giờ, chúng tôi bắt gặp nhiều màu áo xanh tình nguyện của các ĐVTN trên đồng ruộng, vườn đồi, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
![]() |
Mô hình khoai tây cao sản mang lại thu nhập cao cho ĐVTN xã Lục Hồn (Bình Liêu). |
Anh Hoàng Kiên Trung, Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu, sôi nổi kể về những việc mà tuổi trẻ ở đây đã và đang thực hiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới, như nhân rộng mô hình trồng mạ ném đã được thực hiện ở bản Pắc Liềng (xã Tình Húc) ra nhiều xã khác trong huyện, nòng cốt là các gia đình nông dân do thanh niên là chủ hộ. Với cách cấy lúa bằng phương pháp mạ ném này, người nông dân không phải còng lưng suốt buổi ngoài đồng như trước, mà có thể đi thẳng lưng với chiếc khay trên tay, ném mạ xuống ruộng. Phương pháp này sử dụng thời gian và nhân công lao động ít hơn, năng suất lúa vẫn đảm bảo. Tiếp nữa là nhân rộng mô hình trồng cây kim tuyến với 22 hộ thanh niên tham gia. Đây là loài cây thuốc nam rất quý, dùng chữa các bệnh gan, ung thư…; loài cây này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Rồi trồng cây hương bài xen kẽ các rừng keo, thông, bạch đàn để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích đất v.v..
Bình Liêu có diện tích tự nhiên 47.510ha, trong đó đất rừng, đất lâm nghiệp chiếm tới 42.510ha. Bởi vậy, hưởng ứng các phong trào “Tuổi trẻ Quảng Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới”, “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Huyện Đoàn Bình Liêu đã xác định tạo việc làm cho thanh niên phải là những nghề thiết thực gắn với rừng, đồi…; sản xuất ra sản phẩm có thu nhập cao trên chính quê hương mình. Huyện Đoàn đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện tư vấn việc làm, mở các lớp tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho thanh niên. Năm qua, Huyện Đoàn đã nghiên cứu, mở được 20 mô hình phát triển kinh tế, như: Nuôi giun quế, tắc kè, nhím, nuôi cá nước chảy; trồng khoai tây cao sản, cây kim tuyến; chế biến thức ăn chăn nuôi… Đến nay, nhiều mô hình hiệu quả đang được nhân rộng. Để tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện tốt các mô hình này, Huyện Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện, các ban, ngành tổ chức giải ngân 8,5 tỷ đồng vốn vay cho gần 400 hộ thanh niên. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi, như Hoàng Văn Sủi, Ngô Bảo Toàn (xã Tình Húc); Chíu Sáng Sếnh (xã Hoành Mô); Giáp Văn Cường (xã Đồng Văn); đặc biệt có Chíu Chắn Lằm (xã Đồng Tâm) được nhận Giải thưởng Lương Định Của (giải thưởng của T.Ư Đoàn dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ…).
Một mô hình mới đang được Huyện Đoàn thực hiện rất có hiệu quả trong năm nay là trồng khoai tây cao sản (gốc Hà lan). Từ nguồn hỗ trợ 50% về giống, phân bón của Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nông nghiệp (Sở NN&PTNT), Huyện Đoàn đã phân bổ cho ĐVTN các xã Tình Húc (8ha), Vô Ngại (2ha), Lục Hồn (2ha) thực hiện mô hình. Huyện Đoàn còn ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bao tiêu sản phẩm khoai tây cho thanh niên. Theo các ĐVTN thực hiện mô hình: So với giống khoai tây cũ trồng trước đây, khoai tây cao sản có nhiều ưu điểm vượt trội, như cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng củ cao; nhất là hợp với thổ nhưỡng vùng núi cao huyện Bình Liêu. Sau 3 tháng chăm sóc, khoai đã được thu hoạch, cho củ to, đều, năng suất từ 11-12 tấn/ha, đặc biệt có xã Lục Hồn, năng suất đạt tới 48 tấn/ha, giá bán trung bình 6.000 đồng/kg. Bí thư Huyện Đoàn Hoàng Kiên Trung chia sẻ: “Với mô hình khoai tây cao sản chúng tôi đã giúp đỡ được nhiều hộ thanh niên thoát nghèo. Nhất là đã đưa được mô hình làm ăn mới vào thực tế sản xuất của người dân; tạo niềm tin, dần bỏ được lối sản xuất cũ, hào hứng hơn khi áp dụng các mô hình sản xuất mới”.
Anh Vũ
Ý kiến ()