Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 22:39 (GMT +7)
Bình Liêu phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá
Chủ nhật, 02/06/2024 | 14:44:44 [GMT +7] A A
Tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu" do huyện Bình Liêu phối hợp với Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức ngày 10/5/2024, Tiến sĩ Lý Viết Trường, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, cho rằng: Phát triển du lịch bền vững dựa trên quảng bá di sản là một hướng đi phù hợp với sự phát triển của thời đại. Sở hữu thế mạnh về di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể, huyện Bình Liêu đang nắm giữ chiếc chìa khoá để du lịch phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.
Bình Liêu là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan sinh thái tươi đẹp, với những cung đường, thác nước, ngọn núi và bãi đá hùng vĩ cũng là địa bàn sinh sống của rất nhiều dân tộc, mỗi tộc người lại có những giá trị văn hóa riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đa dạng và đặc sắc. Theo thống kê của huyện Bình Liêu, hiện nay, địa phương có 22 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội, bao gồm nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, nhà cửa, trò chơi dân gian.
Nói riêng về dân ca, thì người Tày có diễn xướng Then đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, người Sán Chỉ có hát Soóng cọ, người Dao có hát Pả dung… Huyện còn có các lễ hội đặc sắc như Hội đình Lục Nà, Hội hát tháng Ba của dân tộc Sán Chỉ, Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao (4/4 âm lịch)…
Với những tiềm năng đó, huyện đã xác định chủ trương phát triển du lịch dựa trên thế mạnh văn hóa. Ngày 31/7/2015, Huyện ủy Bình Liêu ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, kết nối với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài tỉnh để thu hút du khách.
Huyện đã thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch, xây dựng các đề án gắn với phát triển du lịch như: Đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án bảo tồn bản văn hóa người Tày thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, xây dựng bản văn hóa người Dao tại Sông Moóc, xã Đồng Văn.
Bình Liêu là một điểm nhấn trong tuyến du lịch do tỉnh quy hoạch. Tuyến thứ nhất, từ thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô. Tuyến thứ hai, từ thị trấn Bình Liêu - xã Lục Hồn - Cửa khẩu Hoành Mô - xã Đồng Văn. Tuyến thứ ba, thị trấn Bình Liêu - đường tuần tra biên giới - Cửa khẩu Hoành Mô.
UBND tỉnh đã có Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 7/3/2023 về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030. Đề án tạo ra sự gắn kết các điểm tham quan với các tour du lịch của huyện và của tỉnh, trong đó có các tuyến đã được thiết kế vào các tuyến du lịch. Các tuyến du lịch văn hóa sinh thái gồm có tuyến số 1: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách - đình Lục Nà - Điểm du lịch cộng đồng người Tày, bản Cáu - Cột mốc 1300/1305 - Cửa khẩu Hoành Mô và tuyến số 4: Thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - đình Lục Nà - Bản Cáu - Cột mốc 1300/1305 - Điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc - chợ Đồng Văn - Cao Ba Lanh - thác Sông Moóc - Cao Ly - Vườn hoa Cao Sơn - thác Khe Vằn - Điểm du lịch cộng đồng người Sán Chỉ, bản Lục Ngù - Cơ sở miến dong.
Kết nối nội tỉnh có tuyến số 1: Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - đình Lục Nà - Điểm cộng đồng người Tày - thác Sông Moóc - Cao Ba Lanh. Kết nối liên tỉnh có tuyến số 6: Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) - Khu du lịch Yên Tử (Uông Bí) - Vịnh Hạ Long - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - đình Lục Nà - Bản người Tày - Cao Xiêm.
Tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu", Thạc sĩ Lý Thị Chiên, Hội Di sản văn hoá Việt Nam, đề xuất cơ quan chức năng địa phương cần phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm du lịch và các công ty lữ hành nghiên cứu xây dựng các gói sản phẩm du lịch có hát Then.
Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Học viện Dân tộc, cho rằng, cần huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào việc đầu tư tạo một mô hình điểm, mẫu mực để nhân rộng ra toàn huyện. Đồng thời, việc xây dựng Làng Văn hóa - du lịch dân tộc Tày được thực hiện trên cơ sở bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, Quy hoạch phát triển du lịch và các chương trình mục tiêu quốc gia khác trên địa bàn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang triển khai trên địa bàn, để thực hiện đồng bộ, không chồng chéo nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa phải đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới và các quy hoạch chiến lược trên địa bàn huyện đã được phê duyệt Dự án hỗ trợ các hộ gia đình tham gia xây dựng và hoạt động du lịch cộng đồng.
Lê Thanh
- Uông Bí: Khai thác du lịch văn hoá bản địa
- Phát huy thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh
- Ba Chẽ: Vùng đất tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử
- "Hồn Việt" và câu chuyện làm du lịch văn hoá
- Du lịch văn hoá: Tài nguyên quý của Móng Cái
- Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, trình diễn
- Xu hướng mới của du lịch văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()