Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:36 (GMT +7)
Huyện Bình Liêu: Đưa ứng dụng số đến với người dân
Thứ 7, 25/11/2023 | 10:19:00 [GMT +7] A A
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng số, kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số..., nhưng với quyết tâm cao, huyện Bình Liêu đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo chương trình, kế hoạch chung của toàn tỉnh. Mục tiêu huyện đặt ra là nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho người dân, từng bước thu hẹp “khoảng cách số” giữa các vùng miền và mang lại nhiều tiện ích thiết thực phục vụ đời sống nhân dân.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, trong thực hiện chuyển đổi số toàn diện, huyện Bình Liêu đã quan tâm công tác tuyên truyền trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử, zalo... Các đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành các ứng dụng số phục vụ đời sống nhân dân, như: BHXH huyện, Công an huyện cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số trên thiết bị di động như VssID (ứng dụng BHXH số), VNeID (ứng dụng lưu trữ giấy tờ cá nhân, định danh và xác thực điện tử).
Huyện cũng duy trì và tổ chức hoạt động hiệu quả mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 86/86 thôn, bản, khu phố trên địa bàn, từng bước hình thành kiến thức, kỹ năng và thói quen sử dụng các ứng dụng số cho người dân. Với sự sáng tạo, chủ động, tích cực, các Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng thông minh phục vụ nhu cầu đời sống thường ngày; sử dụng mạng internet trong đời sống sinh hoạt và sản xuất; hướng người dân tiếp cận công nghệ số thông qua các hoạt động thiết thực như giao tiếp với đại diện chính quyền qua mạng xã hội, zalo, cách sử dụng các dịch vụ công trực tuyến...
Nhờ công tác tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt, chuyển đổi số đã và đang từng bước đi vào đời sống của người dân, đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 24.000 thuê bao di động; 4.326 hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 3.601 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn huyện có hơn 24.000 hồ sơ sức khỏe điện tử (đạt trên 70%) được tạo lập cho người dân để sử dụng trong khám chữa bệnh; gần 100% lượt khám chữa bệnh của người dân được áp dụng bệnh án điện tử và chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống dữ liệu BHYT. Trên địa bàn huyện có gần 8.700 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, đạt tỷ lệ khoảng 34%...
Nhờ kỹ năng số từng bước đến gần hơn với người dân, các nội dung, nhiệm vụ chính của chuyển đổi số trên địa bàn huyện Bình Liêu ngày càng đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, 280/280 TTHC được triển khai tại Trung tâm Hành chính công huyện và 118/118 TTHC ở cấp xã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; 100% TTHC cấp huyện, cấp xã được cung cấp biểu mẫu nhập liệu, số hóa đầu vào; 100% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã đã xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử, sử dụng chữ ký số, trình và ký văn bản toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử. Cùng với đó, 100% nhân lực công nghệ số nòng cốt trong bộ máy nhà nước đã được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà: https://onetouch.mic.gov.vn/ do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai.
Đến nay, 100% CBCCVC được tiếp cận truyền thông và tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã phát hành, tiếp nhận, giao việc trên chính quyền điện tử (trừ nội dung mật). Trong tháng 10/2023, UBND huyện Bình Liêu đã phối hợp với Trung tâm thông tin thuộc Cục Du lịch Quốc gia và một số doanh nghiệp công nghệ thông tin ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi số huyện Bình Liêu. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp về thúc đẩy các dịch vụ thông minh, triển khai chuyển đổi số du lịch, phát triển các dịch vụ phục vụ tương tác giữa người dân và chính quyền.
Các mục tiêu phát triển kinh tế số từng bước được Bình Liêu thực hiện với quyết tâm cao. Đến nay, 100% doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện đã sử dụng nền tảng số để phục vụ cho các hoạt động trao đổi mua bán trên môi trường mạng; 100% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông trên địa bàn huyện đã sử dụng hợp đồng điện tử; 100% HTX sử dụng nền tảng số trong hoạt động kê khai, nộp thuế, bảo hiểm, website quảng bá sản phẩm...; 50% hộ kinh doanh cá thể, các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, tạp hóa... thuộc ngành Công Thương quản lý đã sử dụng thành thạo hình thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt và tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử.
Các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của huyện được đưa lên sàn thương mại điện tử và có phát sinh giao dịch. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện trong 10 tháng năm 2023 ước đạt trên 2%. Các sản phẩm chủ lực của huyện như: Miến dong, mật ong, tinh dầu các loại, rượu bao thai... đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Hiện Sở KH&CN phối hợp với huyện Bình Liêu triển khai gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm trên địa bàn huyện; xây dựng nền tảng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của huyện.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của huyện hiện đã chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đơn vị trường học thực hiện quản lý hồ sơ nhà trường trên hệ thống VNEDU, trao đổi liên lạc thông qua mạng xã hội. Trung tâm Y tế huyện cũng triển khai hiệu quả phần mềm quản lý khám chữa bệnh, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, lưu trữ bệnh án trên phần mềm... Toàn huyện đã tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho hơn 32.000 nhân khẩu; cài đặt và kích hoạt gần 14.000 tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID.
Nhờ chuyển đổi số, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tốc độ xử lý công việc trên địa bàn Bình Liêu đang ngày càng được nâng cao; chi phí hoạt động được tiết kiệm đáng kể; sự kết nối liên thông giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp được tăng cường. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()