Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:10 (GMT +7)
Bình Liêu xây dựng hành trình di sản gắn với du lịch cộng đồng
Chủ nhật, 16/06/2024 | 08:15:51 [GMT +7] A A
Huyện Bình Liêu là địa bàn sinh sống của hơn 96% dân cư là người dân tộc thiểu số, sở hữu nhiều loại hình văn hóa đặc sắc, có giá trị quan trọng. Với những tiềm năng đó, huyện Bình Liêu đã xác định chủ trương phát triển du lịch dựa trên thế mạnh văn hóa.
Ngày 31/7/2015, Huyện ủy Bình Liêu ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, kết nối với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài tỉnh để thu hút du khách.
Sau đó huyện chỉ đạo hoàn thành “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch, xây dựng các đề án gắn với phát triển du lịch như: Đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn bản văn hóa người Tày thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô; Đề án Xây dựng bản văn hóa người Dao tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn.
Tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu" vừa được Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức, TS. Lý Viết Trường, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, cho rằng, phát triển du lịch bền vững dựa trên quảng bá di sản là một hướng đi phù hợp với sự phát triển của thời đại. Sở hữu thế mạnh về di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca, lễ, tết, hội hè, huyện Bình Liêu đang nắm giữ chiếc chìa khoá để du lịch phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.
Từ việc bảo vệ được di sản, Bình Liêu xây dựng chính sách để đưa di sản vào phục vụ du lịch, giúp cho người dân là chủ thể sở hữu di sản được hưởng lợi ích từ di sản. Hành trình du lịch Bình Liêu cũng chính là hành trình du lịch di sản, du lịch cộng đồng. Thực tế, Bình Liêu là một điểm nhấn trong tuyến du lịch do tỉnh Quảng Ninh quy hoạch, với các tuyến: Tuyến thứ nhất, từ thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn đến Cửa khẩu Hoành Mô; tuyến thứ hai từ thị trấn Bình Liêu - xã Lục Hồn - Cửa khẩu Hoàng Mô đến xã Đồng Văn; tuyến thứ ba từ thị trấn Bình Liêu - đường tuần tra biên giới đến Cửa khẩu Hoành Mô”.
Các điểm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc cũng đã được thiết kế vào các tuyến du lịch của huyện như sau: Tuyến số 1 từ thị trấn Bình Liêu - đình Lục Nà - Điểm du lịch cộng đồng người Tày, bản Cáu - Cột mốc 1305 - Cửa khẩu Hoành Mô; tuyến số 4 đi từ thị trấn Bình Liêu - Trung tâm du khách nhà văn hóa xã Lục Hồn - Đình Lục Nà - Bản Cáu - Cột mốc 1300 - Điểm du lịch cộng đồng người Dao, bản Sông Moóc - chợ Đồng Văn - Cao Ba Lanh - thác Sông Moóc - Cao Ly - vườn hoa Cao Sơn - thác Khe Vằn - điểm du lịch cộng đồng người Sán Chỉ, đến bản Lục Ngù - cơ sở miến dong.
Cũng tại hội thảo, thạc sĩ Lý Thị Chiên, Hội Di sản văn hoá Việt Nam, đề xuất: Cơ quan chức năng địa phương cần phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm du lịch và các công ty lữ hành nghiên cứu xây dựng các gói sản phẩm du lịch có hát then. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp, nhất là khi có các đoàn khách lớn. Nó cũng tạo ra mặt bằng giá chung phải chăng, thỏa đáng giữa khách đặt dùng dịch vụ và các hộ dân làm du lịch cộng đồng. Ngoài các hoạt động thông thường như biểu diễn then hay giao lưu hát then, còn có thể dạy hát then cho du khách.
Giáo dục cộng đồng về tiềm năng kinh tế của du lịch sẽ tạo ra sự đồng thuận và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương, giúp ích cho việc giữ gìn và quảng bá di sản. Như vậy, mục tiêu kép là bảo vệ di sản và phát triển kinh tế sẽ được thực hiện thành công.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()