Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:06 (GMT +7)
Bình Liêu xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Thứ 7, 10/06/2023 | 20:10:56 [GMT +7] A A
Tận dụng lợi thế, khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những cách làm mà huyện Bình Liêu đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Cách làm này đã tạo động lực để Bình Liêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Nằm ở độ cao 600-1.000m so với mặt nước biển, với những dãy núi trùng điệp, huyện Bình Liêu được ví như một “Sapa thu nhỏ” của vùng Đông Bắc. Nơi đây không chỉ có cấu trúc địa hình đa dạng, khí hậu mát mẻ, trong lành mà cảnh quan thiên nhiên vẫn hoang sơ, thơ mộng.
Đặc biệt, Bình Liêu còn sở hữu một nền văn hóa đặc trưng, đặc sắc đại diện cho các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa. Trong đó, người Tày có làn điệu hát then đàn tính với trang phục truyền thống là áo chàm. Người Dao có điệu Páo dung mượt mà, sâu lắng và trang phục thêu tinh xảo kỳ công. Người Sán Chỉ lại có điệu Soóng cọ giao duyên với trang phục áo xanh, váy đen và vấn khăn trên đầu…
Nhằm khai thác tối đa giá trị cảnh quan, văn hóa, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, gắn với xây dựng NTM, từ năm 2015, huyện Bình Liêu đã quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, nhất là hạ tầng giao thông. Nhờ đó, đến năm 2020, huyện Bình Liêu đã hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản, khu phố với tổng chiều dài 250km, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện đã triển khai xây dựng 7 nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề. Nổi bật là du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa gắn với các lễ hội trên địa bàn, hình thành nhiều sản phẩm mới, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách.
Sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch, các tiêu chí, chỉ tiêu NTM của Bình Liêu đã có bước phát triển nhanh, vững chắc. Từ sự hoàn thiện về hạ tầng nông thôn cùng nhiều nông sản OCOP làm nền tảng phát triển du lịch, Bình Liêu đã bước đầu tạo dấu ấn với du khách bốn phương bằng ngành du lịch. Thông qua các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch được tổ chức thường niên như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, Lễ hội đình Lục Nà, Lễ Hội hoa Sở, Hội Mùa vàng với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị làm đắm say lòng người.
Để du lịch phát triển nhanh, những năm gần đây, Bình Liêu cũng đã xây dựng kế hoạch kích cầu, nâng tầm hoạt động và chất lượng, hiệu quả kinh tế du lịch. Trong đó, lồng ghép các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn riêng về cảnh quan sinh thái vùng núi, biên giới gắn với tiềm năng văn hóa lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao mức sống của người dân...
Ngoài ra, với sự năng động nhạy bén trong phát triển kinh tế của người dân, từ chỗ chỉ có 1 nhà nghỉ tại thị trấn Bình Liêu và khoảng 5 nhà nghỉ quy mô nhỏ tại cửa khẩu Hoành Mô, đến nay huyện Bình Liêu đã có 30 cơ sở lưu trú, công suất phục vụ khoảng 1.200 người, trong đó có 9 homestay. Để nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, huyện Bình Liêu cũng đã tiến hành rà soát nguồn nhân lực tại các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ homestay ở Bình Liêu đã từng bước được nâng lên.
Năm 2016, khi thấy nhu cầu khách đến với vùng biên ngày một đông, cộng thêm xu thế homestay đang nở rộ ở các điểm du lịch cộng đồng làng bản, anh Hoàng Văn Sằn, dân tộc Tày ở xã Hoành Mô đã nảy ra ý định làm thêm dịch vụ homestay. Hiện nay, gia đình anh có 3 phòng nghỉ với sức chứa 50 người. Những ngày cuối tuần, hoặc các dịp lễ trong năm, homestay này luôn kín phòng. Anh Sằn cho biết: Từ khi mở homestay, thu nhập của gia đình anh đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trước đây.
Du lịch phát triển không chỉ tạo thêm sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân mà còn là điểm nhấn để Bình Liêu ngày càng phát triển mạnh hơn, góp phần hoàn thành sớm các tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đến hết năm 2022, 100% các xã của Bình Liêu đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Trong đó xã Hoành Mô và xã Húc Động đã về đích NTM nâng cao. Huyện đã hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu huyện NTM, về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đến nay, Bình Liêu cơ bản không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Bình Liêu đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3 lần so với 10 năm trước đây.
Hiện nay, huyện Bình Liêu đang tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM đã đạt chuẩn đối với cấp huyện và cấp xã, ưu tiên tập trung vào các tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tiêu chí môi trường, chất lượng môi trường sống... Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Riêng xã Hoành Mô và Húc Động đạt trên 63 triệu đồng/người/năm, góp phần thực hiện thành công chủ đề công tác năm của tỉnh Quảng Ninh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()