Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:21 (GMT +7)
Bình Phước: Doanh nghiệp linh hoạt vượt khó, giữ chân người lao động
Thứ 5, 19/01/2023 | 14:57:48 [GMT +7] A A
Từ quý 4/2022 là thời điểm nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi sức mua trên thị trường giảm, hàng tồn kho lớn, đơn hàng bị cắt giảm, các nhà máy thu hẹp sản xuất. Trong khó khăn, không ít DN tại Bình Phước đã chủ động xoay xở tìm các giải pháp ứng phó để đảm bảo đơn hàng, duy trì việc làm và ổn định đời sống cho công nhân, lao động. Cùng với đó, các cấp, ngành trong tỉnh cũng đang nỗ lực đồng hành với DN, hỗ trợ người lao động (NLĐ) vượt khó.
Sẵn sàng tâm thế
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 50 triệu NLĐ từ 15 tuổi trở lên có việc làm, tăng 417 ngàn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 762 ngàn người; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 435,7 ngàn người; khu vực dịch vụ tăng 8,5 ngàn người so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 10 trở lại đây, kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng có dấu hiệu chững lại, gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đến cuối tháng 11-2022, 44 địa phương, đơn vị báo cáo có NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, đời sống. Ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Nhiều DN khan hiếm đơn hàng, thiếu nguồn cung buộc phải cắt giảm giờ làm, hàng ngàn công nhân, NLĐ phải giãn, hoãn hoặc cắt hợp đồng lao động.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Hiện nay, với sự ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, trong nước, Bình Phước cũng diễn ra tình trạng DN cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Qua thống kê ở tỉnh Bình Phước có khoảng 20 DN, với hơn 11 ngàn lao động bị ảnh hưởng. Các đơn vị giảm giờ làm chủ yếu là DN nước ngoài ở các lĩnh vực dệt may, gỗ, điện tử. Nguyên nhân DN cắt giảm đơn hàng do chi phí đầu vào rất cao nên không thể duy trì được.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra ngày 1-12 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: DN khó khăn dẫn đến kinh tế “đi xuống”, rồi đặt ra rất nhiều vấn đề về sa thải, giãn công, giảm giờ làm… Bức tranh đó chúng ta nhìn thấy. Chắc chắn các DN bắt đầu gặp những khó khăn. Vì vậy, hỗ trợ DN như thế nào, biện pháp ra sao, các cơ quan, ban, ngành tỉnh phải nghĩ ngay từ bây giờ, cái gì trong khuôn khổ pháp luật, cái gì làm được thì chúng ta cùng làm. Chúng ta phải sẵn sàng tâm thế, có sự chuẩn bị để ứng phó với khó khăn.
Đồng hành giúp doanh nghiệp vượt khó
Thực tế đặt ra bài toán đòi hỏi các nhà chức năng phải sớm vào cuộc để có giải pháp kịp thời ứng phó. Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh rà soát, theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình công nhân lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động…; về tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của NLĐ. Tuyên truyền, vận động DN trả lương, thưởng cho công nhân lao động, nhất là trong dịp tết, không để xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể. Đồng thời phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng đề xuất giải pháp hỗ trợ DN, NLĐ bị ảnh hưởng; tư vấn chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mới cho NLĐ… Qua đó góp phần giải quyết bài toán thất nghiệp đối với NLĐ bị cắt hợp đồng, đảm bảo ổn định đời sống khi tết Nguyên đán đang cận kề.
Chủ động “vượt sóng”
Đối mặt với suy thoái kinh tế, bên cạnh việc Nhà nước xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ thì sự linh hoạt ứng phó của DN sẽ là điều kiện cần để duy trì sản xuất cũng như giữ chân công nhân, NLĐ. Nhiều DN chia sẻ đang xây dựng kịch bản ứng phó, tìm cách tháo gỡ bằng những bài toán riêng, phù hợp với tình hình thực tiễn của DN trước làn sóng khủng hoảng toàn cầu.
Công ty TNHH MTV gỗ Thành Nghiệp, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Trước đây, dịp cuối năm, đơn hàng luôn dồi dào, công nhân phải tăng ca mới đáp ứng kịp thời gian xuất hàng. Năm nay lại trái chiều. Đơn hàng giảm vào dịp cuối năm nên công ty phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp để duy trì việc làm cho khoảng 250 công nhân lao động. Anh Lê Quang Vinh, xưởng hàn gắn, Công ty TNHH MTV gỗ Thành Nghiệp chia sẻ: “Mặc dù việc sản xuất đang khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì việc làm cũng như các chế độ phúc lợi đảm bảo đời sống NLĐ. Đây là hành động rất thiết thực và ý nghĩa nhằm động viên công nhân đồng hành với DN vượt khó. Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm, đơn hàng công ty sẽ khởi sắc hơn, đảm bảo thu nhập cho NLĐ”.
Hiện nhiều DN phải cùng lúc đối mặt với hàng loạt rủi ro về giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa liên tục leo thang đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp. Trước khó khăn buộc DN phải chủ động đưa ra nhiều giải pháp để thích ứng, trong đó tìm kiếm khách hàng mới cũng là phương án được DN tính tới. Bà Anna Liu, quản lý nghiệp vụ, Công ty TNHH MTV gỗ Thành Nghiệp cho biết: Để đảm bảo đời sống cho công nhân, công ty đang thu hút và tìm kiếm các đối tác mới, khách hàng mới để có thể nhận được nhiều đơn hàng hơn, nhằm duy trì việc làm và trả lương đầy đủ cho công nhân.
Tương tự, các DN tư nhân sản xuất chế biến điều trong tỉnh cũng chịu chung cảnh đơn hàng khó khăn, xuất khẩu sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn xoay xở để đảm bảo duy trì số lượng công nhân hiện có, đồng thời chủ động thay đổi mẫu mã để phù hợp thị hiếu khách hàng. Tất cả nhằm đảm bảo việc làm cho NLĐ, cũng là sự phát triển lâu dài của công ty.
Dù đang có tình trạng nhiều công nhân, NLĐ bị nghỉ việc thì chính sách mới liên quan tới quyền lợi NLĐ chắc chắn sẽ được tham mưu xây dựng, triển khai và áp dụng kịp thời. Sự chủ động đồng hành với NLĐ kịp thời của các ngành chức năng chính là cụ thể hóa phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()