Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 06:46 (GMT +7)
Bình tĩnh xử trí với bệnh sởi
Thứ 7, 19/04/2014 | 05:23:22 [GMT +7] A A
Trong nhiều ngày qua, diễn biến về bệnh sởi trong toàn quốc liên tục được cập nhật từng ngày, từng giờ. Không chỉ giới truyền thông thường xuyên đưa tin, phản ánh kịp thời về căn bệnh được khẳng định bùng phát lớn nhất từ trước tới nay mà ngay chính mỗi người dân cũng vô cùng sốt sắng tìm hiểu, nghe ngóng. Đâu chỉ vậy, rất nhiều bậc cha mẹ đã tự tìm cách phòng ngừa trước bằng việc đi tìm mua hạt mùi về tắm cho trẻ. Cũng vì vậy, giá của “loại thuốc dân gian” đó là hạt mùi trở nên “sốt” theo bệnh sởi.
Hàng trăm trẻ đã tử vong do bệnh sởi - con số đau lòng này phản ánh sự cấp bách, cũng như độ “nóng” của tình hình. Cùng với đó, là sự quá tải ở một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương… Bên cạnh đó, cũng ở thời điểm bệnh sởi đang “hoành hành” thì theo ghi nhận từ thực tế cho thấy có không ít trẻ em bị sốt phát ban. Chính vì vậy, không ít gia đình hoang mang, lo lắng khi với các dấu hiệu ban đầu dễ gây nhầm lẫn giữa hai loại bệnh này.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Sởi là một bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao, gần như 100%. Tất cả trẻ bị nhiễm với vi rút sởi đều có biểu hiện lâm sàng. Chính vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó trong đó có cả mắc sởi, người dân nên khám trước ở tuyến cơ sở để được hướng dẫn điều trị hợp lý chứ không nên đến thẳng bệnh viện tuyến trung ương.
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh sởi cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng (từ 9-24 tháng tuổi) chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
Tuy nhiên, bên cạnh những khuyến cáo và việc triển khai các công tác chủ động phòng, chống bệnh sởi trong ngành Y tế thì thời điểm này, một trong những điều người dân đang cần đó là việc được thông tin kịp thời về dấu hiệu nhận biết bệnh sởi cũng như những hướng dẫn cần thiết để có thể phòng tránh. Và, đội ngũ làm tốt việc này phải chính từ cơ sở, đó là các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế. Do đó, đi đôi với việc tích cực triển khai công tác tiêm phòng, ngành Y tế cần chủ động và tăng cường thông tin để người dân bình tĩnh xử trí với bệnh sởi trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” hiện nay.
Ngọc Lê
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()