Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:24 (GMT +7)
Blockchain đang tạo nên quyền lực mới trong ngành âm nhạc
Thứ 5, 29/07/2021 | 07:27:12 [GMT +7] A A
Công nghệ dữ liệu blockchain đang mở rộng quy mô của ngành âm nhạc và dịch chuyển quyền lực từ các hãng thu âm về lại tay của các nghệ sĩ và khán giả.
Công nghệ blockchain đang có các tác động lớn trong lĩnh vực tài chính và nó đang thay đổi đời sống của nhiều người trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi đang cần các ứng dụng của blockchain nhất. Ngày càng nhiều bằng chứng xuất hiện chứng minh cho khả năng của công nghệ này, khiến cho ngay cả các chuyên gia khó tính nhất cũng phải thừa nhận, nhưng truyền thông hầu như chỉ tập trung nhiều vào lĩnh vực tài chính mà chưa có cái nhìn rộng hơn ra các ngành nghề khác.
Hệ thống sổ cái phân tán vốn là nền tảng đứng sau Bitcoin được tạo ra không chỉ giúp cho việc chuyển tiền ngang hàng dễ dàng hơn và không cần đến các ngân hàng đóng vai trò trung gian hoặc rủi ro chi tiền 2 lần mà còn có thể ứng dụng tương tự trong các lĩnh vực như âm nhạc. Sự ra đời của Internet dẫn với các nền tảng nhạc trực tuyến như Napster, Soundcloud và bây giờ là Spotify đã đem âm nhạc đến mọi ngóc ngách. Blockchain dường như là bước tiếp theo khi trao lại quyền cho người sáng tạo và người nghe từ tay các hãng ghi âm khổng lồ như Sony Music hay Warner Music.
Công nghệ blockchain, nhạc trực tuyến và bản quyền
Một trong những tác động quan trọng nhất chính là giảm thiểu vai trò của bên trung gian trong quá trình phát hành. Các nền tảng phát trực tuyến giúp cho âm nhạc trở nên phổ biến hơn đến mọi người, nó cũng tạo ra bức tường trung gian để khai thác khoảng cách này giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.
Các hãng thu âm và các nền tảng phát hành đã cung cấp một giải pháp hiệu quả về chi phí ghi âm và phát hành cũng như bảo vệ bản quyền cho phép các nghệ sĩ dễ dàng kiếm tiền từ các tác phẩm của họ. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều vụ việc phân chia lợi nhuận không đều giữa nghệ sĩ và các hãng thu âm đã được đưa ra ánh sáng. Bên cạnh đó, thị phần của ngành âm nhạc giống như biểu đồ Pareto, khi các nghệ sĩ indie và underground dù rất đông nhưng lại chỉ nắm rất ít lợi nhuận. Trong khi đó, các hãng thu âm với dàn nghệ sĩ hùng hậu dưới quyền quản lý của họ đang chiếm phần lớn "miếng bánh".
Nguyên nhân của việc này một phần xuất phát từ thể loại âm nhạc và ngôn ngữ. Mặc dù một số ứng dụng tại các địa phương như AliMusic của Trung Quốc có thể giúp giải quyết những vấn đề này, nhưng việc chênh lệch thị phần là điều không tránh khỏi.
Sức mạnh của đám đông
Mặc dù tình trạng trên khó có thể được giải quyết triệt để nhưng việc cải thiện khả năng tiếp cận của các thính giả đến với các nghệ sĩ ở các thị trường mới nổi giúp đa dạng các thể loại âm nhạc. Blockchain cũng có thể giúp thay đổi quyền kiểm soát hiện đang được nắm giữ bởi các công ty trung gian, các công ty này có quyền quyết định loại nội dung âm nhạc mà công chúng được nghe.
Các nền tảng phát hành nhạc lưu trữ trên blockchain đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Opus, một nền tảng chia sẻ ngang hàng giữa các máy tính đồng thời là nền tảng phát hành nhạc loại bỏ hoàn toàn các bên trung gian. Opus sử dụng IPFS, một phương thức để chia sẻ và lưu trữ dữ liệu, nơi mỗi người dùng của mạng chia sẻ dữ liệu hoạt động như một máy chủ. Bằng cách này, tất cả chi phí liên quan đến lưu trữ và phát hành bởi các bên trung gian đều bị loại bỏ.
Opus cũng sử dụng Ethereum như một phương thức thanh toán. Thông qua tính năng hợp đồng thông minh của nền tảng Ethereum, Opus cho phép các nghệ sĩ được thanh toán ngay lập tức khi có người mua các sản phẩm của họ và họ nhận được trọn vẹn tiền bản quyền mà không bị trừ đi cho các bên trung gian như hiện tại.
Đơn giản hóa ngành công nghiệp âm nhạc
Bên cạnh Opus còn có các nền tảng khác như Mediachain, Musiclife, eMusic… Họ đều tập trung giải quyết cùng một vấn đề tiền bản quyền và sử dụng các công nghệ tương tự nhau để cung cấp cho các nghệ sĩ độc lập một nguồn thu lớn hơn trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, khi việc phát hành sản phẩm dễ dàng hơn thì các nghệ sĩ độc lập sẽ đối mặt với một số thách thức khác. Một báo cáo của Opus viết: "Với quy mô hoạt động nhỏ và khả năng độc lập tài chính thấp, các nghệ sĩ độc lập cần tự mình lên kế hoạch tài chính và kiến thức về pháp luật để đảm bảo sự ổn định cho chính họ".
Ujo, một công ty có trụ sở tại New York, cung cấp nền tảng lưu trữ dữ liệu phi tập trung cho các sản phẩm âm nhạc. Tại đây các nghệ sĩ không chỉ có thể tải lên các tác phẩm của họ mà còn giữ 100% doanh thu và tiền bo từ việc bán các sản phẩm của mình mà không phải trả phí. Nền tảng có thể tự động chia tiền hoa hồng cho các cộng tác viên của mỗi dự án. Một dự án khác, Open Music Initiative, sử dụng công nghệ blockchain để các nghệ sĩ đăng ký bản quyền cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Dự án này ngày càng thu hút nhiều nghệ sĩ từ các nền tảng khác như Soundcloud, YouTube, Spotify, Netflix chuyển qua, một minh chứng cho việc áp dụng sức mạnh của công nghệ.
Trong một bài báo xuất bản năm 2017 trên trang Harvard Business Review, Imogen Heap - nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ, nhà sản xuất thu âm người Anh đã chia sẻ về sự cố khi một người dùng đã phải gỡ hết tất cả các video của mình trên Vimeo vì anh đã sử dụng đoạn nhạc dài 30 giây của cô trong video của mình mà chưa xin phép. Theo Imogen, công nghệ blockchain có thể giúp giải quyết những vấn đề này: "Cá nhân tôi muốn tránh những trường hợp như vậy trong tương lai, bằng cách dễ dàng trả tiền tác quyền cho người khác ngay khi sản phẩm của họ được sử dụng ở bất cứ đâu bằng tính năng hợp đồng thông minh. Hệ thống pháp lý và tính năng thanh toán được lập trình trên nền tảng blockchain có thể cung cấp các phương tiện để làm như vậy".
Nguồn doanh thu mới cho nghệ sĩ
Blockchain đã và đang cải thiện, đặc biệt đối với các nghệ sĩ độc lập, các nghệ sĩ nhận được tiền nhanh hơn và lượng tiền mà họ nhận ngày càng cao trong khi đó quy trình sao chép và phân phối tác phẩm cũng nhanh chóng hơn, nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó. Công nghệ blockchain còn hỗ trợ các nghệ sĩ giải quyết một mục khác không kém phần hấp dẫn: cộng đồng hâm mộ cuồng nhiệt.
Các nghệ sĩ độc lập thường có một cộng đồng hâm mộ tương tác mạnh mẽ và gần gũi với họ và họ thường xuyên nhận được hỗ trợ tài chính từ các fan qua nhiều hình thức. Theo Opus, đó là yếu tố có thể giải thích tại sao 32% thị phần doanh thu cho đĩa nhạc và nhạc kỹ thuật số hiện tại do các hãng phân phối độc lập nắm giữ. Các buổi hòa nhạc cũng đóng góp phần lớn doanh thu và công nghệ blockchain hiện cung cấp những phương pháp để thúc đẩy mạnh mẽ yếu tố này cho các nghệ sĩ độc lập.
ANote Music, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Luxembourg - Bỉ, đã phát triển một nền tảng blockchain cung cấp cho các nghệ sĩ một cách tiếp cận vốn mới bằng cách cho phép người hâm mộ và thính giả đầu tư/gọi vốn cho sản phẩm mà mình yêu thích. Nền tảng ra mắt vào ngày 28/6 và nó cũng sẽ tìm cách cho phép người nghe đã mua các sản phẩm âm nhạc này có thể trao đổi với người khác trên thị trường thứ cấp. Marzio Schena, đồng sáng lập và CEO của ANote Music, giải thích với Cointelegraph: "Mục tiêu của chúng tôi là mở khóa giá trị tiềm ẩn trong âm nhạc cho cả nhà đầu tư và nghệ sĩ bằng cách tạo ra một sân chơi để mọi người đầu tư vào âm nhạc".
Lợi ích đối với người hâm mộ
Các dự án blockchain này còn tạo ra các phương pháp kiếm tiền cho người hâm mộ. Trong khi một số nền tảng như eMusic trao thưởng cho người hâm mộ thông qua các tác phẩm độc quyền hoặc khuyến mãi. Hay nền tảng Choon mang đến cho người nghe phần thưởng khi người nghe hỗ trợ cá nhân hóa các danh sách bài nhạc và Viberate thưởng cho người hâm mộ bằng mã token VIB vì đã đóng góp vào cơ sở dữ liệu về nghệ sĩ, địa điểm và sự kiện của họ. Nền tảng Inmusik có một hệ thống tương tự như Viberate khi họ thưởng đồng Sound cho người dùng để họ sắp xếp thứ hạng nghệ sĩ.
Trong khi các nền tảng như Viberate đã có hơn 450.000 nghệ sĩ tham gia thì những gã khổng lồ trong ngành cũng đang thử nghiệm các mô hình blockchain, đáng chú ý nhất là ông lớn Warner Music Group. Theo Forbes, Warner Music đã tham gia đầu tư 11,2 triệu USD vào một mạng lưới blockchain mới có tên Flow, được tạo ra bởi Dapper Labs. Jeff Bronikowski, giám đốc chiến lược mảng âm nhạc của Apple và là cựu phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Warner Music đã nói với Cointelegraph: "Mục tiêu chính là tạo ra cho người hâm mộ có thể dễ dàng tiếp cận cộng đồng của họ và tham gia với các nghệ sĩ theo cách khác với những thứ họ đã làm trước đây".
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()