Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:23 (GMT +7)
Bơ, chanh leo sắp được ký Nghị định thư với thị trường Trung Quốc
Thứ 2, 29/01/2024 | 09:44:07 [GMT +7] A A
Nếu bơ và chanh leo được ký Nghị định thư, Việt Nam sẽ có 8 loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư sang thị trường Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sắp tới sẽ có thêm hai loại trái cây của Việt Nam là bơ và chanh leo sẽ được ký Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam có 13 loại trái cây, nông sản được phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng, chanh dây, thạch đen, khoai lang.
Nhưng đến nay, Việt Nam mới có 6 các loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư sang Trung Quốc gồm: Măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang, dưa hấu.
Việc có thêm 2 loại trái cây bơ và chanh leo được ký Nghị định thư sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây sang thị trường tỷ dân này.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cây chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 9.500 ha với sản lượng 300.000 - 400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là vùng chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng 8.200 ha, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263 ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn.
Với trái bơ, hiện được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Kể từ đầu năm 2022, bơ Việt Nam cũng đã bắt đầu được xuất khẩu sang Australia. Đắk Nông được coi là "thủ phủ bơ" với diện tích gần 2.600 ha, năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha.
Theo các thương lái, chanh leo là trái cây giàu vitamin, người dân Trung Quốc rất ưa thích sử dụng, do đó hàng có bao nhiêu cũng bán hết. Còn với trái bơ, đây cũng là loại quả mà người Trung Quốc ưa thích những năm gần đây. Với việc người tiêu dùng tại đất nước đông dân nhất thế giới này càng ngày càng có ý thức cao về sức khoẻ, quả bơ, loại quả tốt cho tim mạch đang thu hút phân khúc khách hàng trẻ, thời thượng.
Trước đó, tháng 10/2023, quả dưa hấu tươi của Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam với kim ngạch năm 2023 đạt 3,64 tỷ USD, tăng tới 139,5% so với năm 2022 và chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh sau khi có Nghị định thư với thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ về kết quả chuyến làm việc của đoàn công tác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Trung Quốc (từ ngày 14-20/1), ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, sau khi làm việc với chợ đầu mối ở Quảng Đông, đoàn công tác nhận thấy các sản phẩm trái cây của Việt Nam đang có lợi thế ở thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng, phía bạn đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, phía bạn cảnh báo rằng nếu chúng ta không chú trọng vào chất lượng hàng hóa và mẫu mã sẽ đánh mất tiềm năng. Vì sắp tới có khả năng phía bạn sẽ cho phép một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.
“Phía bạn than phiền với chúng tôi rằng nhiều sản phẩm không để rõ ngày sản xuất. Thứ hai là một số lô hàng sầu riêng không đảm bảo chất lượng”, ông Trần Thanh Nam chia sẻ và đề nghị tất cả những hộ nông dân, doanh nghiệp đang trồng, xuất khẩu sầu riêng cần chú ý đảm bảo chất lượng, mẫu mã, xuất xứ hàng hóa khi xuất sang Trung Quốc, để có chỗ đứng bền vững ở thị trường này.
Ông Thứ trưởng Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng quốc gia này thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()