Tất cả chuyên mục

Nhiều quốc gia, chiến tranh là sự giao tranh của quân đội hai nước, thắng bại hoàn toàn do quân đội và Thống soái quyết định. Nhà nước phó thác việc chỉ huy chiến tranh cho Thống soái, khi cần thì lo cung cấp quân lương, vũ khí, tiếp viện binh lực. Trong loại hình chiến tranh này, Bộ chỉ huy quân sự đứng đầu là Thống soái giữ vai trò định đoạt. Còn kháng chiến của Đại Việt chống Mông Nguyên là chiến tranh yêu nước của nước nhỏ chống xâm lược của đế chế lớn mạnh, quân đội giữ vai trò chủ lực, nòng cốt hết sức quan trọng, nhưng chưa đủ để bảo đảm thắng lợi mà cần có sự tham gia của toàn dân, của cả nước. Đàng sau Bộ chỉ huy quân sự là vai trò lãnh đạo của triều đình do các vua Trần đứng đầu trong việc tổ chức, huy động sức mạnh của cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc, cùng trực tiếp tham gia kháng chiến.
![]() |
Cọc Bạch Đằng trưng bày tại Bảo tàng Bạch Đằng (Quảng Yên). |
Vì vậy cùng với việc tôn vinh Bộ chỉ huy quân sự mà tiêu biểu là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương, cần nhìn nhận và tôn vinh cả triều đình nhà Trần mà tiêu biểu là vua Trần Thái Tông trong kháng chiến lần thứ nhất và Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông trong kháng chiến thứ hai, thứ ba. Chính các vua Trần là người đứng đầu quốc gia Đại Việt, chọn đúng tài năng để giao trọng trách chỉ huy chiến tranh và luôn luôn giữ vai trò quyết định trong tổ chức hậu phương, huy động lực lượng cho chiến trường. Hơn nữa có lúc cần thiết các vua Trần còn trực tiếp thân chinh, cầm quân đánh giặc.
Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh: 1218-1277, Vua: 1226-1258), Thượng hoàng: 1258-1277) đã cùng Thái sư Trần Thủ Độ lãnh đạo cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Nhà vua thân chinh đánh trận Bình Lệ Nguyên và trận Phù Lỗ. Khi tổ chức phản công, nhà vua cùng thái tử Trần Hoảng chỉ huy trận tấn công vào Đông Bộ Đầu, đánh bật quân Mông Cổ ra khỏi kinh thành. Nhà vua là một nhà Phật học, để lại tác phẩm Khóa hư lục. Đó là một vị vua anh hùng có công lớn trong xây dưng vương triều Trần, khôi phục nước Đại Việt và đánh thắng quân xâm lược Mông Cổ năm 1258. Vua Trần Thái Tông đước đánh giá “tính khoan hậu và thích văn học. Khi lên ngôi, đặt khoa mục, dùng hiền tài, định lễ nghi, đặt hình luật, điển chương chế độ rõ rệt”.
Vua và thượng hoàng Trần Thánh Tông (Trần Hoảng:1240-1290, Vua: 1258-1278, Thượng hoàng: 1278-1290) kế tục sự nghiệp của vua cha, đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước, lãnh đạo cuộc đấu tranh ngoại giao rất mưu trí với vua chúa Mông Nguyên, cố trì hoãn chiến tranh để chuận bị chu đáo cho cuộc kháng chiến. Thượng hoàng đã mở hội nghị Diên Hồng để tạo nên quyết tâm đánh giặc của toàn dân và cùng với vua Trần Nhân Tông lãnh đạo cuộc kháng chiến thứ hai, thứ ba. Phan Huy Chú nhận xét: vua Trần Thánh Tông: “tính vua trung hiếu, nhân từ, nhân với người thân, hòa mục họ hàng, tôn hiền, trọng đạo, thực là một vị vua hiền”.
![]() |
Sông Chanh - con sông lịch sử - theo GS Đào Duy Anh chính là dòng sông Bạch Đằng xưa. |
Vua Trần Nhân Tông (Trần Khâm: 1258-1308, Vua: 1278-1293, Thượng hoàng: 1293-1308) cùng với Thượng hoàng Trần Thánh Tông có công lớn trong lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lần thứ hai, thứ ba gay go, quyết liệt nhất. Năm 1282 nhà vua đã kiến quyết khước từ yêu sách của nhà Nguyên đòi mượn đường và cung cấp lương thực để xâm lược Chămpa, hơn thế còn cử 2 vạn quân và 500 chiến thuyền sang giúp vua Indravarman IV và hoàng tử Harijit chống lại quân Nguyên, thiết lập quan hệ đồng minh giữa hai nước. Năm 1282 nhà vua tổ chức hội nghị Bình Than để cùng với các vương hầu, triều thần bàn kế sách đánh giặc, chia quân bố phòng những nơi hiểm yếu. Năm 1283 nhà vua tiến phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân. Trong chiến tranh, nhà vua và Thượng hoàng cũng có lúc trực tiếp cầm quân tham gia chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, năm 1285, vua Trần Nhân Tông đem quân và thuyền đến tiếp viện cho Trần Quốc Tuấn ở mặt trận Vạn Kiếp và chỉ huy cuộc chiến đấu phòng vệ bên sông Nhị khi quân Nguyên tiến về kinh thành. Chuyển sang giai đoạn phản công, vua và Thượng hoàng đem quân đánh địch ở Trường Yên rồi tiến đánh Tây Kết, giết chết Toa Đô. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, năm 1288 vua và Thượng hoàng đem đại quân đến tiếp ứng cho Trần Quốc Tuấn tại trận Bạch Đằng. Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, một nhà văn hóa lớn, một nhà Phật học uyên thâm. Sau khi đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, nhà vua xuất gia, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Đó là một Thiền phái mang đậm tính dân tộc và tính nhập thế, thấm đượm tinh thần nhân ái, vị tha, đầy lòng bác ái, bao dung. Nhà vua còn là một nhà thơ, nhà văn, một nhà Phật học uyên bác, để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong di sản văn học dân tộc. Chính sử ghi nhận Trần Nhân Tông là “vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”. Sử thần Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV ngợi ca nhà vua “Dùng người giỏi, lập nên võ công, nếu không có tư chất nhân, chính, anh, võ thì sao được như thế”. Vua Trần Nhân Tông là một Hoàng đế anh hùng, một Phật hoàng xán lán, Vua và Bụt hài hòa trong con người vĩ đại đó.
Như vậy trong lãnh đạo toàn diện cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên thời Trần tuy không thành lập nhưng trên thực tế quyền lực có một Bộ chỉ huy tối cao nắm toàn quyền quyết định mọi việc quốc gia đại sự. Đó triều đình nhà Trần đứng đầu là các vị Hoàng đế anh hùng Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Bên cạnh là Bộ chỉ huy quân sự đứng đầu là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (trong kháng chiến lần thứ hai, thứ ba). Trong kháng chiến lần thứ nhất cần ghi nhận thêm vai trò của Thái sư Trần Thủ Độ. Nếu Trần Quốc Tuấn là nhà chiến lược quân sự thiên tài nắm quyền thống lĩnh toàn quân, giữ vai trò quyết định trong lãnh đạo chiến tranh thì vua Trần là những nhà vua anh minh, đứng đầu quốc gia giữ vai trò quyết định trong xây dựng đất nước, củng cố hậu phương, tạo lập những điều kiện quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và cả vai trò quyết định trong kén chọn đúng người đủ tài đức thành lập Bộ chỉ huy quân sự. Ba vị hoàng đế Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo Vương là những anh hùng vĩ đại của cuộc chiến tranh yêu nước chống Mông Nguyên thế kỷ XIII. Riêng trong kháng chiến lần thứ ba kết thúc bằng đại thắng Bạch Đằng năm 1288, công lao hàng đầu thuộc về Hoàng đế Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn.
GS Phan Huy Lê
[links()]
Ý kiến (0)