Tất cả chuyên mục

Ngày 17-4 tới đây (tức mùng 8 tháng 3 âm lịch), TX Quảng Yên sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng và đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng 1288.
Nhân dịp này, Báo Quảng Ninh xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tại Hội thảo Khoa học 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng 1288, tổ chức tại TX Quảng Yên ngày 27-3 vừa qua.
![]() |
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam và PGS.TS Tống Trung Tín, Viện Trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam tại cuộc báo cáo kết quả khai quật bãi cọc đồng Má Ngựa, Quảng Yên, tháng 5 - 2010. |
Đại thắng Bạch Đằng và thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước
Cách đây 725 năm, ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (tức ngày 9-4-1288), quân và dân Đại Việt đã lập nên một chiến công chói lọi trên sông Bạch Đằng. Đó là thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ ba năm 1287-1288 mà còn của cả cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại nạn xâm lược của đế chế Mông Nguyên trong thế kỷ XIII. Sau lần thất bài này, vua Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (1260-1294) còn tỏ ra rất cay cú, muốn tổ chức cuộc viễn chinh mới, nhưng do phải lo đối phó với những xung đột nội bộ ở phía bắc, do những khó khăn trong huy động lực lượng, nên cho đến khi chết vẫn không thực hiện được. Sau khi Hốt Tất Liệt chết năm 1294, vua Nguyên Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ (1294-1307) lên nối ngôi, phải ra lệnh bãi binh đánh Đại Việt. Với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Đại Việt đã được giữ vững.
Đặt trong bối cảnh lịch sử thế giới thế kỷ XIII, thắng lợi của Đại Việt sau ba lần kháng chiến chống quân xâm lược của đế chế Mông Cổ và đế chế Đại Nguyên mang ý nghĩa lịch sử rất trọng đại không chỉ đối với Đại Việt mà cả đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Từ nhà nước du mục hình thành năm 1206, Thành Cát Tư Hãn và các Đại Hãn kế tục, đã lao vào cuộc chiến tranh chinh phục các nước, lập thành một đế chế rộng lớn và hùng mạnh bậc nhất trên thế giới. Biên giới của đế chế mở rộng từ bờ biển Thái Bình Dương phía đông cho đến bờ Hắc Hải phía tây. Quân đội Mông Cổ lấy kỵ binh làm chủ lực tung hoành khắp nơi, gần như đánh đâu thắng đó, có thất bại thì chỉ là cực bộ và nhất thời, hầu hết các mục tiêu xâm lược đều thực hiện thành công. Sau khi đánh vào Trung Quốc và Trung Á, quân đội Mông Cổ lại học thêm kỹ thuật công thành và việc chế tạo, sử dụng thuốc súng, làm tăng thêm sức mạnh quân sự.
Các quốc gia văn minh nổi tiếng của châu Á, từ Trung Quốc đến các nước Trung Á, Tây Á, nước Nga và một số nước Đông Âu đều bị thôn tính. Riêng vùng Đông Á, quân Mông Cổ đã đánh bại nước Kim, nước Hạ rồi Nam Tống, thôn tính toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc vào năm 1279. Chính trên cơ sở này, đế chế Đại Nguyên do Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (1260-1294) cầm đầu được thành lập, tiếp tục con đường bành trướng của đế chế Mông Cổ trên địa bàn Đông Á và Đông Nam Á. Vì vậy chúng tôi dùng khái niệm Mông Nguyên để chỉ đế chế Mông Cổ và đế chế Đại Nguyên. Sau 6 lần xâm lược từ năm 1231 đến 1259, nước Cao Ly chiến đấu dũng cảm nhưng rồi cũng bị thôn tính. Nước Nhật Bản nhờ vị quốc đảo nên hai lần xâm lược năm 1274, 1281, quân Mông Nguyên vượt biển khó khăn, lại gặp bão bị tổn thất rất nặng nề, lần thứ nhất phải rút chạy, lần thứ hai số quân trên bộ bị quân dân xứ Mặt Trời mọc tiêu diệt gần hết. Người Nhật Bản gọi cơn bão cứu tinh đó là “cơn bão Kamikaze” (cơn bão Thần). Nước Đại Lý ở tây nam Trung Quốc tiếp nối nước Nam Chiếu thời Đường (618-907) đã từng tồn tại kiên cường trước các đế chế Đại Hán, cũng bị quân Mông Cổ đánh bại năm 1253. Nước Miến Điện cũng bị thất bại sau những lần tấn công xâm lược của quân Nguyên vào năm 1277, 1283, 1287. Vương quốc Pagan bị chiếm đóng. Thế mà nước Đại Việt đã đánh bại ba lần xâm lược của quân Mông Cổ năm 1258, quân Nguyên năm 1285 và 1287-1288. Nước Chămpa trong sự liên minh với Đại Việt cũng đánh bại cuộc xâm lược của quân Nguyên năm 1282-1285. Do bị thất bại ở Đại Việt năm 1285 mà vua Nguyên phải bãi bỏ cuộc xuất chinh đánh Nhật Bản lần thứ ba đang được chuẩn bị. Cũng do thất bại ở Đại Việt và Chămpa, không thiết lập được đầu cầu chiến lược trên bán đảo Đông Ấn mà đoàn binh thuyền vượt biến đánh Java năm 1293 gặp nhiều khó khăn. Cuộc chiến đấu do Hoàng tử Vijaya chỉ huy đã đánh bại quân Nguyên, buộc chúng phải rút chạy.
Ba lần kháng chiến chống Mông Nguyên thắng lợi của Đại Việt cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên của Chămpa, không chỉ bảo vệ độc lập của hai quốc gia mà còn góp phần gây khó khăn và ngăn chặn sự bành trướng của đế chế này ở vùng Đông Á và Đông Nam Á. Đó là vị trí và ý nghĩa lịch sử của đại thắng Bạch Đằng trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.
![]() |
Di tích Bãi cọc Bạch Đằng, phường Yên Giang trong quần thể di tích lưu niệm Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. |
Vai trò của Bộ chỉ huy quân sự do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cầm đầu
Một vấn đề đặt ra là vì những nguyên nhân nào một nước nhỏ như Đại Việt thời Trần lại dám đương đầu và đương đầu thắng lợi với đế chế Mông Nguyên cường thịnh bậc nhất trên thế giới như vậy. Đây là thắng lợi của một cuộc chiến tranh nên nguyên nhân trực tiếp dĩ nhiên thuộc về vai trò của Bộ thống soái chỉ huy cuộc kháng chiến. Đứng đầu Bộ thống soái trong cuộc kháng chiến thứ hai và thứ ba là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, ông có tham gia bên cạnh vua Trần Thái Tông, Thái sư Trần Thủ Độ và tướng Lê Tần. Trong cuộc đụng độ đầu tiên với quân xâm lược đến từ một đế chế du mục với cách đánh nhanh thắng nhanh, tận dụng ưu thế cơ động của kỵ binh, nhà Trần chưa có kinh nghiệm. Trong trận Bình Lệ Nguyên do vua Trần Thái Tông thân chinh, quân ta định tận dụng địa hình lợi hại của sông nước vùng đất này để chặn địch, quyết chiến với địch. Giữa lúc cuộc chiến có nguy cơ bị bao vây và tiêu diệt, tướng Lê Tần đã nhận ra sai lầm của chiến lược này và kịp thời khuyên can vua Trần cần rút lui. Quân ta rút về giữ Phù Lỗ để chặn địch, tạo điều kiện cho triều đình tạm rút khỏi kinh thành. Quân Mông Cổ chiếm được thành Thăng Long nhưng là một tòa thành trống rỗng, lương thực không có, chia quân đi cướp lương thì bị tổn thất bởi những trận đánh nhỏ của quân Trần và lực lượng dân binh các làng xã. Sau khi làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh và triệt nguồn lương thực của địch, đẩy quân xâm lược vào thế bị động, gặp nguy khốn về quân lương, quân đội nhà Trần tổ chức phản công, đánh bật chúng ra khỏi kinh thành và tiến hành truy kích, tiêu hao trên đường rút chạy về nước.
Từ kinh nghiệm của cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đã hình thành và hoàn thiện dần chiến lược chống quân xâm lược Mông Nguyên. Quốc công Trần Hưng Đạo đã xây dựng và thực hiện thành công chiến lược đó trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, thứ ba. Chính ông đã tổng kết tư tưởng chiến lược đó trong câu nói nổi tiếng: “Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoạn binh; dùng đoạn chế trường là sự thường của binh pháp”. Đó là chiến lược quân sự của nước nhỏ chống xâm lược của nước lớn. Trước thế mạnh ban đầu của địch, cần tránh quyết chiến, tổ chức rút lui, kể cả rút khỏi kinh thành, để bảo toàn lực lượng, bảo vệ an toàn bộ máy đầu não của quốc gia, đồng thời tiến hành chặn địch, đánh tiêu hao và phát động nhân dân tham gia kháng chiến dưới mọi hình thức như kế “thanh dã”, cất dấu lương thực, dựa vào làng xã đánh địch cướp bóc lương thực…Sau khi làm chuyển hóa dần tương quan lực lượng, tạo ra thời và thế có lợi, tổ chức phản công, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường, giải phóng kinh thành, giải phóng cả nước. Trong xây dựng lực lượng quân sự, Trần Quốc Tuấn chủ trương “quân cốt tinh, không cốt nhiều” và “quân một lòng như cha con”. Ngoài quân đội thường trực của triều đình, còn có quân đội của các vương hầu, dân binh các làng xã và lực lượng vũ trang của các thổ tù miền núi.
Tư tưởng và chiến lược cơ bản của Trần Quốc Tuấn thực chất là tổ chức chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm của một nước nhỏ chống lại quân xâm lược của nước lớn. Qua các cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên thắng lợi, Trần Quốc Tuấn đã đựa tư tưởng và nghệ thuật quân sự của loại hình chiến tranh này phát triển lên đỉnh cao.
Trần Quốc Tuấn là một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc lớn. Ông là nhà quân sự đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã nghiên cứu binh thư phương Đông và tổng kết kinh nghiệm của kháng chiến chống ngoại xâm để viết những bộ binh thư có giá trị. Đó là bộ Binh thư yếu lược (hay Binh gia diệu lý yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Một tổn thất lớn là cả hai bộ binh thư đó đều thất truyền, chắc hẳn là bị quân Minh cướp hay đốt hủy trong cuộc xâm lược và đô hộ đầu thế kỷ XV. Riêng bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư, chính sử còn chép lại bài tựa của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, trong đó ghi lại lời dặn của tác giả như sau: “Sau này con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp, không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời”. Bản thân binh pháp của Hưng Đạo Vương đã đầy tính sáng tạo và đã được kiểm nghiệm, khẳng định giá trị qua thắng lợi của kháng chiến nhưng ông vẫn căn dặn con cháu luôn luôn phải sáng tạo trong những hoàn cảnh và điều kiên chiến tranh khác nhau, không bao giờ được công thức, giáo điều. Ngoài hai bộ binh pháp, Trần Quốc Tuấn còn là tác giả của bài Hịch tướng sĩ, một trong những thiên cổ hùng văn của di sản văn học Việt Nam.
Nhà yêu nước lớn Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX cho rằng Trần Quốc Tuấn trở thành “vị anh hùng bậc nhất chống ngoại xâm thành công” là nhờ có ba điều: “thứ nhất là lòng nhiệt thành”, “thứ hai là có kiến thức”, “thứ ba là nhân cách cao thượng”. Nền tảng làm nên nhân cách và tài năng, sự nghiệp của Trần Quôc Tuấn là lòng trung nghĩa, rất mực yêu nước, thương dân, luôn luôn lo phò vua, giúp nước, cứu dân. Ông đã chủ động gạt bỏ mối hiềm khích giữa hai gia đình An Sinh Vương Trần Liễu, cha của Trần Quốc Tuấn, với vua Thái Tông Trần Cảnh. Ông vốn là người “dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người”, lại được cha chăm lo đào tạo, mời những người “tài nghệ” giỏi trong nước về dạy. Trần Quốc Tuấn là người văn võ song toàn, có kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách lớn.
Trần Quốc Tuấn không những là một tài năng lớn mà còn tập hợp được Bộ chỉ huy nhiều tài năng của đất nước như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư... Dưới trướng của ông còn có những gia nô trung thành, tài giỏi như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô, nhiều gia thần, môn khách nổi tiếng như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu…Bộ chỉ huy của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo là một bộ não lớn tiêu biểu cho trí tuệ cả dân tộc.
Sau khi Trần Quốc Tuấn mất năm 1290, vua Trần Anh Tông phong tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Ông là một Đại Vương Nhân Vũ, vừa mưu trí dũng lược, vừa nhân ái, gồm đủ nhân-trí-dũng. Nhân dân suy tôn ông là Đức Thánh Trần, một trong Tứ bất tử của Thần điện người Việt.
GS Phan Huy Lê
(Còn nữa)
Ý kiến ()