Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:31 (GMT +7)
Bộ Công an nói về tính bảo mật của thẻ căn cước dự kiến thay CCCD
Thứ 6, 28/04/2023 | 08:29:07 [GMT +7] A A
Luật Căn cước nêu rõ khi ai đó muốn khai thác thông tin công dân trên thẻ căn cước, thì phải được chủ thẻ đồng ý bằng xác thực vân tay, khuôn mặt.
Dự án Luật Căn cước gồm 7 Chương, 46 Điều sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Một trong những nội dung đáng chú ý mà dự án Luật Căn cước đề cập, đó là giải pháp để bảo đảm việc khai thác thông tin tích hợp trong "thẻ căn cước" (tên gọi thay cho CCCD đang lưu hành) được an toàn, bảo mật, thuận lợi.
Theo Bộ Công an, thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và lưu trữ trong thẻ căn cước là thông tin cần bảo vệ. Luật Căn cước đã xác định rõ nguyên tắc này, đồng thời Bộ Công an có thiết bị chuyên dụng để khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước gắn chíp bảo đảm an toàn. Việc khai thác dữ liệu cũng đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
1. Những thiết bị chuyên dụng đó đã được Bộ Công an đánh giá đạt tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm chuyên dụng, có mã hóa bảo mật và được quản lý theo mã số riêng, truy nguồn gốc được chủ thể sử dụng.
2. Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền, bảo đảm từng thành phần chỉ được phép khai thác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Quan trọng hơn, chủ thẻ đồng ý bằng xác thực vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng VNeID, thì đối phương mới được khai thác.
3. Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà bị ai đó sử dụng thẻ, cũng không khai thác được thông tin tích hợp trong chíp điện tử. Còn người bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện xin cấp lại, thì có thể giao dịch bằng căn cước điện tử (ứng dụng VNeID).
Cũng theo dự thảo Luật Căn cước, công dân có thể tự tích hợp thông tin của nhiều loại giấy tờ (thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...) qua 2 biện pháp:
1. Nạp thông tin tích hợp vào chíp, mã QR trên thẻ căn cước khi người dân làm thẻ mới hoặc đổi, cấp lại thẻ tại cơ quan công an các cấp.
2. Nạp thông tin tích hợp vào căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID). Việc tích hợp này được thực hiện trực tuyến, không tốn chi phí và người dân có thể tự thao tác theo hướng dẫn của ứng dụng.
Theo dự thảo Luật Căn cước, cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi một số thông tin ở mặt trước thẻ căn cước, gồm: Đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh"; đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú".
Tại mặt sau của CCCD, đổi thông tin về chữ ký và danh tính của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thành dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”. Còn dữ liệu sinh trắc học vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải) cũng cần lược bỏ.
Nếu đề xuất về mẫu thẻ gắn chip mới được thông qua, người dân sẽ có thêm một mẫu CCCD để sử dụng. Những ai đã được cấp thẻ thì vẫn được lưu hành, sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trên thẻ.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()