Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:55 (GMT +7)
Bộ Công Thương hỏa tốc đề xuất giải pháp ‘cấp cứu’ doanh nghiệp xăng dầu đang ‘hấp hối’
Thứ 4, 19/10/2022 | 22:38:52 [GMT +7] A A
Tối 19/10, Bộ Công Thương cho biết đã có loạt công văn hoả tốc gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề xuất loạt giải pháp tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin dừng hoạt động.
Đề nghị Hải quan bỏ lệnh cấm thông quan với 4 doanh nghiệp
Trong Công văn số 6435 và 6436, do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Về những bất cập của thị trường, Bộ Công Thương cho biết, đáng chú ý, tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế…
“Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho 4 doanh nghiệp đầu mối - Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty CP thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thuỷ bộ Hải Hà, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp - thực hiện thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước”, Bộ Công Thương đề xuất.
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị 3 vấn đề liên quan chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương cũng đề nghị tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ cho 16 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Ước tính tổng toàn bộ nhu cầu về hạn mức tín dụng, vay vốn, mua ngoại tệ của 16 doanh nghiệp cần khoảng 27.000 tỷ đồng.
Công văn của Bộ Công Thương cũng tiết lộ vấn đề khó khăn về tài chính cần gỡ rất lớn của những doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất thị trường như Petrolimex, Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ, Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà, Xăng dầu Hùng Hậu, Xuyên Việt Oil, XNK Xăng dầu Tín Nghĩa, Xăng dầu Hồng Đức, Long Hưng,….
Bất thường 2 thương nhân đầu mối "mất tích"
Liên quan đến việc quản lý thị trường xăng dầu, theo thông tin của PV Tiền Phong, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có văn bản đề nghị cơ quan quản lý tại địa phương xác minh, giúp liên lạc với 2 thương nhân phân phối xăng dầu không thực hiện hoạt động nào liên quan đến xăng dầu trong thời gian dài.
Hai thương nhân phân phối được Thị trường trong nước truy tìm tung tích là Công ty cổ phần Thương mại xăng dầu, dầu khí Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Phú tại tỉnh Hải Dương. Việc cơ quan quản lý "biệt tích thông tin" với doanh nghiệp xăng dầu chỉ phát lộ khi Bộ Công Thương có văn bản gửi Công ty cổ phần Thương mại xăng dầu, dầu khí Hà Nội về việc thông báo kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu năm 2022.
Tuy nhiên, văn bản gửi tới địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần Thương mại xăng dầu, dầu khí Hà Nội đã bị chuyển trả lại do không có người nhận. Việc liên lạc với đại diện công ty qua số điện thoại do công ty cung cấp khi thực hiện cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu cũng không thực hiện được. Lật lại hồ sơ, Bộ Công Thương mới ‘ngã ngửa’ khi phát hiện không nhận được các báo cáo (hệ thống phân phối xăng dầu, xuất nhập tồn kho xăng dầu, quyết định giá bán xăng dầu... ) của công ty này trong thời gian dài.
Với trường hợp Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Phú (địa chỉ trụ sở chính đường Mạc Hiển Tích, phường Hải Tân, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), sau nhiều tháng chờ đợi, Bộ Công Thương không nhận được phản hồi từ phía công ty này, và cũng phát hiện không liên lạc được với đại diện công ty cũng không có thông tin về hoạt động của công ty này trong thời gian dài.
“Sau khi Sở Công Thương Hải Dương vào cuộc, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Phú đã có văn bản gửi Bộ Công Thương giải thích lý do không có các hoạt động kinh doanh xăng dầu vì gặp khó khăn về mặt tài chính và đã tạm ngừng hoạt động từ quý II/2020. Công ty xin nộp lại 1 bản gốc Giấy xác nhận làm thương nhân phân phối xăng dầu đến Bộ Công Thương”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()