Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:26 (GMT +7)
Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022
Thứ 7, 28/08/2021 | 13:31:07 [GMT +7] A A
Sáng 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm học 2020-2021, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép: Vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong trường học; điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đối với giáo dục đại học, việc chuyển đổi phương pháp giảng dạy được thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ những môn liên quan đến thí nghiệm, thực nghiệm, thực tập, còn lại đều được triển khai dạy học trực tuyến. Tỷ lệ giảng viên dạy học trực tuyến của nhiều trường đạt 80 - 90% tổng số giảng viên cơ hữu.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Năm học 2020-2021, Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học của Bộ GD-ĐT và của tỉnh; chủ động xây dựng, điều chỉnh và triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, ứng phó kịp thời với các cấp độ, diễn biến dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến và trực tiếp.
Hiện, toàn tỉnh có 1.432 phòng học thông minh, 100% trường học từ mầm non đến đại học dùng phần mềm quản lý trường học. Do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, có khoảng thời gian học sinh trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng đến trường nhưng không phải dừng việc học nhờ 88% trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh khai thác hiệu quả hạ tầng công nghệ hiện có, triển khai dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học qua truyền hình, giao phiếu bài tập về nhà cho học sinh.
Qua đó, góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm học đề ra. Đặc biệt, tỉnh tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ngay từ đợt I với xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp đứng thứ 36/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2020.
Nhất quán quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, đã quyết nghị miễn toàn bộ học phí năm học 2021-2022 cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 138 tỷ đồng, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh và phụ huynh khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đồng thời thông qua một số chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt-Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh cũng chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh về vấn đề giải quyết thiếu biên chế giáo viên trong bối cảnh tăng quy mô từ 8.000-10.000 học sinh/năm. Từ năm 2014, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện dồn ghép, sáp nhập các trường, điểm trường có quy mô nhỏ lẻ, gần nhau; thực hiện kiêm nhiệm một số vị trí nhân viên phục vụ; đào tạo lại giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để bố trí việc làm mới; bố trí tăng số giờ dạy cho giáo viên hoặc bố trí giáo viên cùng một lúc dạy nhiều trường để khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ… Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 28 trường, 262 điểm trường, 649 lớp học, 1.734 giáo viên nhưng vẫn đảm bảo duy trì và tăng chất lượng giáo dục các cấp học.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo, vừa chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa phát triển hệ thống giáo dục quốc dân.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn, đồng thời biểu dương nỗ lực của ngành Giáo dục trong việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Giáo dục và các địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch để học sinh trở lại trường an toàn. Trường ở "vùng xanh" cho học sinh trở lại trường sớm với những biện pháp sàng lọc, kiểm soát phù hợp. Trường ở "vùng vàng", "vùng đỏ" tổ chức dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó lưu tâm đến học sinh khó khăn.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang tranh thủ mọi quan hệ quốc tế để ngoại giao vắc xin, trong đó có tính đến vắc xin cho trẻ em. Dựa trên cơ sở khoa học, quy định về độ tuổi, Bộ Y tế xem xét vắc xin nào được nhiều nước tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để thời gian tới khi nhập về có thể phân bổ và tiêm. Với trẻ dưới 12 tuổi, nếu có vắc xin phù hợp, Bộ Y tế cần sớm tiếp cận, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu trong nước để thời gian tới có vắc xin tiêm cho các cháu. Với giáo viên, hiện nhiều thầy cô đã được tiêm vắc xin. Thủ tướng yêu cầu nơi nào thiếu thì bổ sung để tiêm cho giáo viên, chuẩn bị cho năm học mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm học 2021-2022, giáo dục đại học phải đẩy mạnh tự chủ để phát triển; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nâng cao hiệu quả dạy học môn Lịch sử trong các trường phổ thông…
Thu Phương
Liên kết website
Ý kiến ()