Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:15 (GMT +7)
Bổ ích các buổi học lịch sử tại di tích
Chủ nhật, 19/03/2023 | 09:57:10 [GMT +7] A A
Trong chương trình giáo dục phổ thông, từ lớp 4 đã bắt đầu có môn học lịch sử, chưa kể phần lịch sử trong chương trình giáo dục địa phương. Vì vậy, việc các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế tại di tích, triển khai các tiết học mở bên ngoài sẽ tạo sự hứng thú cho các em.
Với 210 di tích lịch sử văn hóa, chiếm khoảng 1/3 tổng số di tích toàn tỉnh, TX Quảng Yên là địa bàn rất thuận lợi để tổ chức các giờ học ngoại khóa lịch sử. Nhiều di tích trên địa bàn thị xã còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của tỉnh, của đất nước, trong đó có nhiều sự kiện rất trọng đại. Khi dạy học đến những sự kiện lịch sử liên quan, giáo viên hoàn toàn có thể đưa học sinh tới các di tích để trải nghiệm thực tế.
Cô giáo Nguyễn Thị Chanh, Trường Tiểu học Cẩm La (TX Quảng Yên), cho biết: Vừa rồi, chúng tôi tổ chức cho học sinh khối 5 nghe giảng lịch sử, trải nghiệm trò chơi đấu vật, đắp đất, trò chơi theo dấu chân Tiên Công, thi thuyết trình về miếu Tiên Công và lễ hội Tiên Công. Qua giờ dạy lịch sử tại thực địa, tôi nhận thấy học sinh rất hào hứng. Các em được ra ngoài thực tế, học sôi nổi, ghi nhớ sâu sắc và hấp dẫn hơn trên lớp.
Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng cũng đang đón nhận nhiều hơn lượng du khách trẻ tuổi. Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã xây dựng những tour du lịch trải nghiệm, trong đó lấy học sinh, sinh viên là trung tâm với các hoạt động dâng hương tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, thăm bãi cọc Yên Giang, nghe thuyết minh viên nói chuyện lịch sử, tham quan Bảo tàng Bạch Đằng, thực hành làm chả đa nem, làm bánh trôi nước... Học sinh còn được nghe lịch sử ngay tại nơi diễn ra những trận đánh, hào hứng trải nghiệm viết thư pháp ngay tại di tích...
Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đề xuất xây dựng điểm viết thư pháp, chụp ảnh với trang phục cổ trang, trải nghiệm mô hình lều chõng, bút nghiên của “sĩ tử đi thi” và “vinh quy bái tổ”. Sau mỗi chuyến trải nghiệm, cảm nhận là sự thay đổi của các bạn học sinh thêm yêu quê hương qua tìm hiểu lịch sử địa phương.
Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, cho biết: Chúng tôi sẽ tạo dựng thêm một số thực cảnh để phục vụ du khách, chú trọng hướng nhiều hơn đến du khách trẻ tuổi, học sinh, sinh viên về trải nghiệm văn hóa, học lịch sử qua giờ ngoại khóa. Ban Quản lý di tích mong muốn rằng, đây sẽ là nơi giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của các thế hệ cha anh, để từ đó tạo một ý thức tốt, một nền tảng về tình yêu quê hương, trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước.
Không chỉ ở TX Quảng Yên, thời gian gần đây, có một tín hiệu đáng mừng là nhiều nhà trường trong và ngoài tỉnh đã chủ động liên hệ ban quản lý các di tích để hướng dẫn các em trải nghiệm và cử người thuyết minh giới thiệu tường tận. Với mục tiêu chú trọng công tác giáo dục, nâng cao kiến thức về lịch sử văn hóa địa phương, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, sinh động, lành mạnh cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường tổ chức giờ học lịch sử, địa lý địa phương tại các điểm di tích của huyện.
Tại Khu di tích quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà, học sinh được giới thiệu về lịch sử văn hóa, được thực hành vẽ sơ đồ tư duy thể hiện những hiểu biết của bản thân về khu di tích lịch sử, cùng hòa mình vào những trò chơi dân gian. Chương trình vừa giúp các em hiểu thêm giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, vừa giúp các em được giải trí và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, rèn luyện sức khỏe để học tập hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ, khẳng định: Thông qua hoạt động học tập thực tế tại Khu di tích lịch sử quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà, chúng tôi muốn cung cấp cho học sinh các kiến thức, thông tin về lịch sử, văn hóa, địa lý của địa phương gắn với nội dung các bài học. Đồng thời, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm, khám phá, phát triển phẩm chất năng lực học sinh để chuẩn bị lên bậc học cao hơn. Qua hoạt động này, chúng tôi bồi dưỡng, giáo dục cho học sinh có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()