Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:18 (GMT +7)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiệm vụ năm 2023
Thứ 4, 04/01/2023 | 12:46:40 [GMT +7] A A
Sáng 4/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại hội nghị. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực...
Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%). Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra nhiệm vụ tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế trong công tác tham mưu, tổng hợp. Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đã hoàn thành 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp tăng trưởng trên 10%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8.200 USD. Năm 2022, tổng thu ngân NSNN trên địa bàn đạt gần 55.000 tỷ đồng, tăng 21% so với dự toán Trung ương giao và tăng 25% so với cùng kỳ.
Năm 2022, Quảng Ninh cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mảnh ghép cuối cùng tuyến cao tốc từ Hải Phòng đến Quảng Ninh và một số công trình khác như : Cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển sang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Cao Tường Huy cho biết: Tính đến ngày 31/12/2022 tỉnh đã giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch Trung ương giao, bằng 95% kế hoạch điều hành của tỉnh. Dự tính đến ngày 31/1/2023 Quảng Ninh sẽ hoàn thành 100% giải ngân vốn đầu tư công. Đạt được kết quả trên, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại vốn đầu tư công, giảm các công trình không thực sự cần thiết, tập trung vào những công trình trọng điểm, động lực.
Công tác chuẩn bị đầu tư là khâu rất quan trọng, tỉnh đã giao cho các ngành, địa phương bám sát các quy định hiện hành để làm tốt công tác này. Bên cạnh đó, phân công cho các đồng chí lãnh đạo sở, ngành, trực tiếp lãnh đạo tỉnh phụ trách từng địa phương đôn đốc thực hiện.
Công tác GPMB được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được tập trung thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho phép công bố 2 quy hoạch: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung TP Hạ Long. Để cụ thể hoá nội dung Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 30, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện để Quảng Ninh có cơ chế vượt trội nhằm xây dựng Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế biển, logistics mang tầm quốc tế và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, quan tâm đến hợp tác song phương giữa Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) để Quảng Ninh xây dựng Khu hợp tác biên giới ngày càng phát triển.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()