Tất cả chuyên mục

Nhằm mục đích tăng khả năng tư duy cho học sinh, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết với thực tế sản xuất trong việc đào tạo nghề sửa chữa điện công nghiệp và sửa chữa cơ điện lò, thầy giáo Nguyễn Minh Đức, Khoa Điện, Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm - Vinacomin đã thiết kế mô hình “Bộ thực hành lập trình tổng hợp” có khả năng tích hợp tương đương trên 10 mô hình sử dụng trong giảng dạy.
![]() |
Sử dụng mô hình “Bộ thực hành lập trình tổng hợp” tại Phân hiệu Đào tạo Cẩm Phả, Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm - Vinacomin. |
Theo thầy Nguyễn Minh Đức, hiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, giá thành đầu tư mua mới các thiết bị cao, mà việc sát hạch nghề sửa chữa điện công nghiệp và sửa chữa cơ điện lò lại đòi hỏi phải có thiết bị chuẩn và điều kiện làm việc sát với thực tế mới có thể đánh giá được kỹ năng, tay nghề của người học. Trong tình trạng kinh tế hiện nay thì việc đầu tư mới rất khó khăn. Tại các xưởng của Khoa Điện cũng đã có một số các mô hình, nhưng số lượng ít, mỗi mô hình chỉ thực hiện được một bài tập trong chương trình môn học, mỗi lượt chỉ được một nhóm thực hiện mà không cơ động trong quá trình giảng dạy. Do vậy, đòi hỏi phải có một mô hình có thể tích hợp được nhiều kỹ năng, nhiều nội dung giảng dạy, nhỏ gọn, giá thành rẻ để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Đứng trước những khó khăn trên, thầy Nguyễn Minh Đức đã đề xuất giải pháp làm mô hình “Bộ thực hành lập trình tổng hợp” sử dụng trong giảng dạy. Với kích thước 440x360x160mm, mô hình được thiết kế như một vali dễ dàng khi vận chuyển đi xa. Mô hình có kích thước hợp lý, tiết kiệm không gian nhà xưởng khi bố trí lắp đặt. Bên cạnh đó, mô hình được tích hợp 6 cảm biến vị trí, 2 động cơ 1 chiều có hộp số, các đèn báo màu (đỏ, vàng, xanh) để báo tín hiệu, các rơ le, thanh cài, cầu đấu. Màu sắc mô hình được in trên giấy bóng đề can, nên giữ được màu sắc bền đẹp. Vật tư thiết bị dễ thay thế và sẵn có trên thị trường. Do đó, có thể chủ động trong việc sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế và làm mới. Mô hình được thiết kế có khả năng tích hợp tương đương trên 10 mô hình mà giá thành không bằng một mô hình hiện có của nhà trường. Mô hình được tích hợp có thể thực hiện được tất cả các bài tập trong chương trình các môn học lập trình. Đến nay, mô hình được sử dụng cho việc dạy học lý thuyết và dạy học thực hành: Thiết bị tự động hoá, mô đun PLC cơ bản, PLC nâng cao, kỹ thuật lập trình cỡ nhỏ, kỹ thuật cảm biến nghề điện công nghiệp. Nhờ có mô hình, giáo viên hướng dẫn và học sinh có thể kiểm tra kết quả thực hành một cách trực quan.
Thầy Lê Ngọc Trung, Thường trực Hội đồng Khoa học Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm đánh giá: “Việc đưa mô hình vào quá trình giảng dạy đào tạo nghề điện công nghiệp sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong đào tạo. Mô hình được tích hợp chức năng của nhiều mô hình khác do đó có thể phù hợp với nhiều nội dung giảng dạy. Giải pháp này sẽ giúp bổ sung cơ sở vật chất của nhà trường, giúp giáo viên có đủ điều kiện vật chất để bố trí cho học sinh thực hành, nhanh chóng hình thành kỹ năng cho học sinh. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực sát hạch của nhà trường. Nhờ vậy, vị thế của nhà trường ngày càng được khẳng định. Giải pháp còn đảm bảo tính chính xác về mặt kỹ thuật và giá thành chỉ còn bằng 1/10 so với thiết bị thật”.
Mô hình tuy mới đưa vào giảng dạy từ đầu năm 2014, nhưng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía học sinh, sinh viên. Sinh viên Nguyễn Văn Sơn, lớp công nghiệp khoá 5, Khoa Điện, Phân hiệu Đào tạo Cẩm Phả, Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm, chia sẻ: “Khi có mô hình, chúng tôi có điều kiện để thực hành sử dụng phần cứng PLC với các thiết bị ngoại vi. Từ đó, giúp chúng tôi hiểu một cách tường tận về thiết bị PLC, việc lập trình được dễ dàng hơn. Không những vậy, chúng tôi cảm thấy rất hứng thú khi có thể quan sát được sản phẩm của mình chạy một cách tự động hoàn toàn”.
Lưu Phương Thảo
Ý kiến ()