Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:09 (GMT +7)
Bộ trưởng GD&ĐT: Việc tự đổi mới của nhà giáo quyết định thành công của giáo dục
Thứ 7, 19/11/2022 | 12:32:19 [GMT +7] A A
"Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu và khát vọng lớn hơn, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định thành công của giáo dục".
Thông điệp trên được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19/11.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn đạo nghĩa, trọng tri thức, hiếu học và giàu chí tiến thủ. 40 năm trở lại đây, khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính thức được xác định thì tinh thần ấy càng được phát huy thành nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hóa giáo dục và đời sống văn hoá của người Việt.
Theo Bộ trưởng, muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, bởi nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, là một nghề giàu tính nhân văn.
Muốn dạy người, nhà giáo phải thấu hiểu con người, phải cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực. Đó là nghề cho đi mà không màng nhận lại, lặng lẽ đưa những chuyến đò sang sông, vì thế nghề giáo là nghề đẹp đẽ.
Muốn dạy được học trò nhà giáo phải tích lũy kiến thức, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng. Muốn dạy một phải biết nhiều, phải đủ kiến thức và tầm nhìn để làm bậc thầy dẫn dắt cho học trò.
“Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu cao và khát vọng lớn. Giáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực và nền tảng để phát triển đất nước. Để thực hiện sứ mệnh và trọng trách vinh quang đó, ngành giáo dục và đào tạo đang ra sức đổi mới căn bản và toàn diện, nói cách khác là đang thực hiện một cuộc cải cách lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, “việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định” sự thành công của đổi mới giáo dục. Những đổi mới ở tất cả các cấp học đặt nhà giáo trước những cơ hội lớn và mới để phát triển, buộc phải phát triển, nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn, làm thay đổi những truyền thống, những thói quen và rất nhiều điều từng có trong lực lượng nhà giáo.
Bên cạnh những thành công đã đạt được thời gian qua, người đứng đầu ngành Giáo dục thừa nhận, vẫn còn một số trường, thầy cô khiến xã hội chưa hài lòng, phụ huynh bức xúc, danh dự nhà giáo có lúc bị tổn thương và sứt mẻ.
Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận, số nhỏ, trong khi phần lớn và tổng thể nhà giáo vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề. Phần lớn các thầy cô vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề, đem con chữ tới học sinh vùng biên giới và hải đảo, chấp nhận muôn vàn thiệt thòi.
Bộ GD&ĐT cũng đã và đang rà soát các chế độ chính sách nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh. Luật Nhà giáo đang được định hình và thiết kế là bước quan trọng để hiện thực hóa chủ trương phát triển đội ngũ nhà giáo của ngành. Đặt biệt, chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo được thực thi từ 1/7/2023 sẽ là sự động viên kịp thời và thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đặc biệt cảm ơn hàng chục triệu học sinh. “Tôi muốn dành sự cảm ơn đặc biệt tới người học, vì lẽ “không trò đố thầy làm nên”, ông nói.
Thay mặt 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm tới Giáo dục thời gian qua.
Cô Thúy chia sẻ: "Tôi may mắn được trải nghiệm và chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển lịch sử của ngành Giáo dục cùng với sự vận động, đổi thay chung của đất nước. Sau chặng đường 32 năm gắn bó với nghề, tôi luôn thấm thía, nghề dạy học chưa bao giờ là dễ dàng, thậm chí ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại của Internet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay".
Theo cô Thuý, hai quy tắc bất biến để mỗi thầy cô giáo có thể dạy học trò thành tài mà không một máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được. Đó là sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức. Đó cũng là là cốt cách, nhân phẩm và là yêu cầu đặc thù đối với người làm nghề dạy học.
Theo Vtc
Liên kết website
Ý kiến ()