Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:10 (GMT +7)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hướng tới một Việt Nam 'xanh hiện tại, vững tương lai'
Thứ 2, 12/02/2024 | 20:10:41 [GMT +7] A A
Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay không chỉ là bắt kịp xu hướng và thực hiện cam kết của toàn cầu về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu mà quan trọng hơn, chính là xuất phát từ nhu cầu nội tại cấp thiết của đất nước - là con đường và lựa chọn duy nhất mà Việt Nam cần phải theo đuổi nếu muốn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định phát triển kinh tế xanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Đây là một trong những nội dung trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đang được Bộ này triển khai.
Để hiểu rõ hơn những công việc ưu tiên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xanh hóa nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh nội dung này.
Thưa Bộ trưởng, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh - phát triển bền vững, xin Bộ trưởng cho biết những kết quả chính Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua?
Như chúng ta đều biết, những biến động lớn của thế giới, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, cùng với thách thức ngày càng lớn từ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức; trong đó phát triển kinh tế xanh đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực, tạo động lực cho phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn chính là mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, ngành và địa phương và được thể hiện đậm nét nhất trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Trong năm 2023 vừa qua, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, song, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh - phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân chung tay có những hành động để xanh hóa các ngành kinh tế, hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Theo đó, có thể kể đến một số thành quả quan trọng sau: các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia thông qua các chính sách cụ thể trên các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế.
Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh quốc gia đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Đây có thể nói là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xanh trở thành một hình mẫu chung cho mô hình phát triển của các địa phương.
Tiếp đến đầu tư công tiếp tục dẫn dắt, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư xanh, thúc đẩy liên kết, kết nối giữa các vùng miền, gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cho giao thông vận tải thông qua việc hoàn thành và đưa vào khai thác 20 dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, tham mưu nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là hạt nhân, là nơi ươm mầm cho các ý tưởng xanh, giải pháp xanh, góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục có những bước chuyển đổi mạnh mẽ nhằm thu hút dòng vốn đầu tư xanh, chuyển hướng đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, theo hướng chất lượng cao và có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước thu hút đầu tư xanh nhiều nhất, chiếm 5% trong các nước đang phát triển. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài cho năng lượng tái tạo chiếm chủ yếu, tăng gấp 5,7 lần trong 10 năm qua.
Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, đó là hoạt động đối ngoại, xúc tiến hợp tác, đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực hỗ trợ, nguồn vốn cho phát triển kinh tế xanh. Có thể nói, năm 2023 thực sự làm một năm có nhiều bước tiến tích cực tạo nền tảng quan trọng cho hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển kinh tế xanh của Việt Nam trong dài hạn.
Xin Bộ trưởng có thể chia sẻ những công việc ưu tiên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xanh hóa nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam?
Có thể nói, chặng đường hướng tới nền kinh tế xanh còn rất dài và Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để biến tư duy thành hành động, biến định hướng, mục tiêu thành kết quả cụ thể.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xanh hóa nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung những công việc ưu tiên sau: Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai thí điểm chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp nhằm đánh giá mức độ xanh hóa của nền kinh tế trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện hệ thống phân loại ngành xanh quốc gia và xác định những nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn tới; xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.
Cùng với đó, Bộ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, sử dụng phù hợp nguồn lực đầu tư công từ ngân sách nhà nước để tạo bước đi, dẫn dắt đầu tư tư nhân và hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp. Việc cân đối nguồn lực đầu tư công sẽ được ưu tiên để thực hiện các dự án xanh trọng điểm trong từng giai đoạn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình hành động nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và triển khai và đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững nhằm ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững, phục vụ công cuộc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh của đất nước.
Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển kinh tế xanh tới các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, để tạo nền tảng hiểu biết chung và từ đó biến suy nghĩ, tư duy thành hành động cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn bộ hệ thống kinh tế - xã hội.
Với các trọng tâm nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bên liên quan nhằm hướng tới một Việt Nam “Xanh hiện tại, vững tương lai”.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, dựa vào những tiêu chí, mục tiêu nào để Bộ kế hoạch và Đầu tư xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng điều gì ở Bộ chỉ tiêu này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để có bộ chỉ tiêu thống kê đánh giá, giám sát toàn diện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đồng thời thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và ban hành Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh.
Bộ chỉ tiêu được xây dựng theo các tiêu chí sau: Thứ nhất, phản ánh những nội dung của các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược; các hoạt động ưu tiên đã nêu trong chiến lược tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Thứ hai, phù hợp với bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) để Việt Nam có thể ứng dụng, so sánh đánh giá về tăng trưởng xanh của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, các chỉ tiêu trong bộ chỉ tiêu xanh đơn giản, dễ hiểu được định nghĩa rõ ràng, thống nhất, phù hợp chuẩn mực và thông lệ quốc tế; song phải có khả năng lượng hóa trên cơ sở hệ thống dữ liệu thống kê hiện hành và khả năng sẵn có của dữ liệu.
Thứ tư, bộ chỉ tiêu được xây dựng phù hợp với nguồn lực và cơ chế vận hành hiện hành của Việt Nam.
Thứ năm, bộ chỉ tiêu có “tính mở” để có thể cập nhật phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh sẽ là công cụ hiệu quả, khả thi nhằm lượng hóa kết quả, quá trình thực hiện mục tiêu, giải pháp phục vụ giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng đây sẽ là công cụ hiệu quả để đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Bên cạnh đó một số chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu có phân tổ tới cấp tỉnh và là căn cứ quan trọng để các địa phương cùng đánh giá tình hình thực hiện tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh trên địa bàn.
Một số ý kiến cho rằng, một số chỉ tiêu sẽ mất rất nhiều thời gian để đồng bộ, thống nhất thực hiện giữa các Bộ, ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp trong thời gian tới như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, cho đến phản ánh mức độ "xanh hoá" trong các ngành kinh tế…
Các chỉ tiêu này được phân công cho nhiều bộ, ngành, cơ quan chủ trì thu thập, tổng hợp; trong đó, có nhiều chỉ tiêu khó, chưa thực hiện được ngay do chưa xây dựng được phân loại xanh, tiêu chuẩn xanh, cần có thời gian và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần dành thời gian để nghiên cứu nội dung chỉ tiêu, triển khai thu thập thông tin, tính toán và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Tôi cho rằng, đây là Bộ chỉ tiêu mới, khó cần có sự phối hợp, thống nhất của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, để có thể thu thập, biên soạn đầy đủ các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh nhằm giám sát, đánh giá toàn diện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai các công việc trong thời gian. Theo đó, hướng dẫn các bộ, ngành địa phương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT ngày 01/11/2023 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh; đồng thời, bổ sung việc thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công vào Kế hoạch hành động của bộ, ngành và bố trí nguồn lực để thực hiện. Cụ thể như: xây dựng báo cáo và các hình thức chia sẻ thông tin đối với các chỉ tiêu được giao chủ trì và gửi kết quả cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng khung giám sát đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; trong đó tích hợp Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Thường xuyên rà soát, đánh giá danh mục và nội dung các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()