Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:17 (GMT +7)
Bộ trưởng Tài chính giải trình về 1 triệu tỷ đồng ngân sách tồn đọng trong ngân hàng
Thứ 5, 01/06/2023 | 17:27:38 [GMT +7] A A
Về khoản tồn dư ngân sách 1 triệu tỷ đồng đang được gửi trong ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây là nguồn đã có nhiệm vụ chi chi tiết, tồn đọng là vì chưa giải ngân hết chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác.
Tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 1/6, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, việc điều hành kinh tế-xã hội năm 2022 thành công rực rỡ với tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%; thu ngân sách vượt so cùng kỳ là 15,7% và vượt dự toán 28,6%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục, xuất siêu 11,2 tỷ USD; bội chi ngân sách dưới 4%...
Về ý kiến đại biểu cho rằng việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao, Bộ trưởng nêu rõ, thời điểm lập dự toán 2022 là vào tháng 9/2021, giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Tăng trưởng GDP khi đó âm 6,02%, thu ngân sách tháng 9 cũng âm 46% so cùng kỳ. Dự toán được lập phù hợp tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, đến năm 2022, tăng trưởng GDP bình quân cả năm đạt 8,02%, số vượt thu ngân sách đạt 403,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô vượt 49,8 nghìn tỷ đồng so dự toán do tăng giá dầu và tăng sản lượng; thu xuất nhập khẩu vượt 86,4 nghìn tỷ đồng; thu từ đất đai vượt 74 nghìn tỷ đồng…
“Những kết quả trên cho thấy vấn đề tài khóa năm 2022 tương đối thành công”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Liên quan chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về miễn, giảm thuế.
Nhiều chính sách được triển khai như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%...
Cụ thể, năm 2021, giảm, giãn thuế 132,4 nghìn tỷ đồng, năm 2022 giảm giãn, gia hạn 200,3 nghìn tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2023, dự kiến giảm thuế 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm 74,2 nghìn tỷ đồng, gia hạn 121,2 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh các chính sách miễn, giảm thuế, Chính phủ còn thiết kế các chính sách kích cầu 347 nghìn tỷ đồng, trong đó 176 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng. “Các hệ thống đường cao tốc khởi công, khánh thành liên tục tạo mạng kết nối giao thông thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng nêu rõ.
Thông tin về khoản ngân sách 1 triệu tỷ đồng tồn đọng trong ngân hàng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, 895 nghìn tỷ đồng gửi Ngân hàng Nhà nước, lãi suất 0,8%/năm, 130 nghìn tỷ đồng gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại.
Theo Bộ trưởng Tài chính, số tiền này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, là nguồn nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn như bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia...
“Đây là nguồn đã có nhiệm vụ chi chi tiết, tồn đọng là vì chưa giải ngân hết chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác”, Bộ trưởng khẳng định.
Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng làm rõ vừa qua có những tồn tại như liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm. Theo đó, ngân hàng thương mại ký hợp đồng với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm cho các khách hàng để hưởng hoa hồng; các hợp đồng dài, chưa rõ ràng, người mua thường thua thiệt khi khiếu kiện.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tham mưu xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Về kinh phí cho chương trình tiêm chủng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giai đoạn 2016-2020, kinh phí tiêm chủng được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, khi kết thúc giai đoạn này, Quốc hội đồng ý có nghị quyết chuyển qua bố trí vào trong chi thường xuyên.
Trong năm 2021, đã bố trí được 134 tỷ đồng cho tiêm chủng mở rộng; năm 2022 là 178 tỷ đồng. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế để bố trí kinh phí mua vaccine và việc này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để triển khai.
Liên quan thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, việc chi Chương trình mục tiêu có chi thường xuyên và chi đầu tư. Chi đầu tư là chi các dự án đường xá, hỗ trợ nhà ở… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa danh mục còn Bộ Tài chính giao kế hoạch.
“Theo quy định là không bố trí theo năm mà bố trí theo một chương trình trong một giai đoạn. Vì vậy để cắt ra chia cho năm là không phù hợp”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, để khắc phục tồn tại, hạn chế, Bộ Tài chính đã có đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao về cho các tỉnh và các bộ, ngành như giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, tăng cường phân cấp để các tỉnh, bộ, ngành phân bổ. Còn cơ quan trung ương chỉ quy định về định mức, tiêu chuẩn và tiêu chí, như vậy sẽ bảo đảm triển khai nhanh hơn.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()