Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:30 (GMT +7)
Bỏ "viên chức suốt đời"
Thứ 4, 01/07/2020 | 11:15:41 [GMT +7] A A
“Viên chức suốt đời” chính thức được xóa bỏ khi từ ngày 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực.
Trong luật này, một trong những điểm đáng chú ý, được người dân đặc biệt quan tâm đó là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới từ ngày 1/7/2020 sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay không còn “biên chế suốt đời” đối với viên chức. Luật cũng quy định những viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 vẫn là “viên chức suốt đời”.
Câu chuyện về bộ máy hành chính, công chức, viên chức cồng kềnh khiến cho khả năng chi trả của ngân sách nhà nước ngày một khó khăn đã được đưa ra bàn thảo nhiều ở các cuộc họp, nghị trường Quốc hội. Thực tế, những năm qua, mỗi lần tăng lương cơ bản cho công chức, viên chức là cả một sự trăn trở lớn, tính toán rất kỹ lưỡng, căn cơ của Chính phủ, Quốc hội, bởi số lượng công chức, viên chức hưởng thụ là rất lớn.
Trong khi đó, một bộ phận công chức, viên chức còn hoạt động kém hiệu quả do trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu đã khiến công việc bị trì trệ, thiếu trơn tru, gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp. Điều này cũng làm hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức xấu đi trong mắt mọi người.
Chính vì vậy, Luật Viên chức có hiệu lực nhằm giảm sức ì đối với viên chức, tăng năng suất lao động, xóa bỏ tư tưởng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, đã vào Nhà nước là “ấm chân”, không bị đuổi việc dù công việc không hoàn thành.
Việc xóa bỏ “viên chức suốt đời” sẽ tạo một cú hích lớn để đội ngũ viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 có động lực cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Nếu viên chức không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị có quyền chấm dứt hợp đồng làm việc.
Không chỉ vậy, Luật Viên chức tạo cơ chế linh hoạt cho cả người lao động và người sử dụng lao động, đơn vị nào có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt hơn thì thu hút nhiều người tài vào làm việc. Cùng với đó, người lao động nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu công việc được trọng dụng, hưởng nhiều cơ chế ưu đãi. Người nào không hoàn thành nhiệm vụ hay chây ì thì sẽ bị đào thải, thay thế.
Việc xác định vị trí việc làm, bỏ “biên chế suốt đời” tạo ra sự cạnh tranh công bằng, nơi nào có chế độ đãi ngộ tốt, cơ hội thăng tiến tốt thì sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, người tài nhiều hơn. Từ đó bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, công việc trơn tru hơn rất nhiều.
Nhiều người cho rằng, trong thời gian tới, quy định về bỏ “biên chế suốt đời” cần được tính đến đối với cả công chức. Nếu công chức không làm được việc, không hoàn thành nhiệm vụ cũng cần cho nghỉ việc, xóa bỏ tình trạng “ngồi mát ăn bát vàng”.
Chắc chắn rằng, việc xóa “viên chức suốt đời” được người dân, dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao. Giờ đây, bộ máy hành chính các cấp có thể chủ động giảm bớt sự cồng kềnh vốn có, loại bỏ những người chưa đạt yêu cầu công việc, dần loại bỏ hình ảnh viên chức “sáng cắp ô đi, chiều đi cắp về” mà không ai bị loại bỏ. Từ đó tạo cơ hội cho người tài, có trình độ, nhiệt huyết được tuyển dụng, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()