Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:06 (GMT +7)
Bỏ xét tuyển học bạ, mở thêm nhiều ngành... điểm mới tuyển sinh của các ĐH lớn
Chủ nhật, 25/02/2024 | 17:59:41 [GMT +7] A A
Năm 2024, nhiều trường đại học đã có những điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh. Thí sinh cần lưu ý để tránh mất cơ hội và có những lựa chọn đăng ký xét tuyển đúng đắn.
ĐH Kinh tế Quốc dân không còn tuyển sinh bằng học bạ
Trong đề án tuyển sinh 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố tuyển bằng 3 phương thức: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 18% và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.
Như vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT trong khi các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.
Ngoài ra, trường cũng giảm 7% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT so với năm 2023. Thay vào đó, trường tăng chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết hợp lên 80%.
Nói về việc bỏ xét tuyển bằng học bạ, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, chủ trương của Bộ GD-ĐT là các trường chủ động trong phương thức tuyển sinh, tinh gọn các phương án mà không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Nhà trường cũng nhận thấy không cần thiết phải duy trì phương thức này.
Những năm qua, qua rà soát, nhà trường nhận thấy những học sinh trường chuyên có kết quả học tập tốt đa phần đủ điều kiện trúng tuyển theo nhiều phương thức khác, chẳng hạn như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc điểm cao trong các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Bên cạnh đó, nhiều em không đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức khác đã sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhưng đa phần khi theo học tại trường có kết quả học tập không tương đồng với điểm đầu vào.
“Việc bỏ xét tuyển học bạ cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ ảo vì một số em có thể sử dụng theo nhiều phương thức”, ông Nhượng nói.
Một điểm mới khác trong tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay là công thức tính điểm xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế quy về thang điểm 10 thay vì thang điểm 15 như các năm trước.
Theo phía nhà trường, việc quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về thang 10 là quy định chung nên sự thay đổi này tránh việc phải quy đổi 2 lần và làm tăng độ chính xác trong quy đổi.
ĐH Ngoại thương lần đầu mở ngành công nghệ, thêm điều kiện với xét tuyển bằng học bạ
Một điểm mới đáng chú ý trong phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại thương năm 2024 là ở các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT đã được Trường thêm điều kiện là điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phải đảm bảo mức sàn của trường là 24 điểm trở lên.
Cụ thể, với phương thức tuyển sinh 1 và 2 (trong 6 phương thức) năm 2024, thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.
Theo phía Trường ĐH Ngoại thương, đây là một cách để nâng cao chất lượng đầu vào, qua đó trường có thể lựa chọn những thí sinh tốt nhất được xét tuyển vào.
Lý giải về điều chỉnh đối với các phương thức có sử dụng kết quả học tập THPT, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho hay, trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm của giáo dục phổ thông, nhà trường đã cân nhắc các nhóm đối tượng phù hợp và tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp cũng như các điều kiện cao để đảm bảo rằng trường có thể lựa chọn được nhóm thí sinh tốt nhất khi xét tuyển vào.
“Việc bổ sung thêm điều kiện cần về đảm bảo điểm sàn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển chung của trường với 2 lý do. Thứ nhất để thống nhất áp dụng điểm sàn thi THPT ở mức giỏi là 24 điểm cho các phương thức. Thứ hai, có thể sử dụng đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT như là một công cụ gián tiếp giúp các trường phổ thông chuẩn hoá công tác đánh giá học sinh”, bà Hương nói.
ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh ngành Quản lý Giáo dục
Năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành Quản lý Giáo dục (mã xét tuyển ED3) với 60 chỉ tiêu.
Thông tin này cũng nhận được sự quan tâm khá nhiều của dư luận bởi đây vốn là ngành học thuộc thế mạnh đào tạo của khối các trường sư phạm, trong khi ĐH Bách khoa Hà Nội là trường thuộc khối kỹ thuật.
Theo ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Quản lý giáo dục mới mở này thuộc khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, thiên về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giáo dục, chứ không phải ngành đào tạo về sư phạm.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, hiện khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục đang đào tạo ngành Công nghệ giáo dục nhằm cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất vào giáo dục. Việc mở thêm ngành Quản lý giáo dục giúp hoàn thiện đối tượng còn thiếu là đội ngũ đảm nhận việc tổ chức đào tạo và quản lý.
Theo ông Điền, quản lý giáo dục ngày nay đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng, đặc biệt yêu cầu về việc dùng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, thay vì chỉ quản lý truyền thống bằng thủ công như trước đây. ĐH Bách khoa Hà Nội hướng tới việc người học ngành Quản lý giáo dục tại trường sẽ được đào tạo thêm các kiến thức về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,... giúp đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Bổ sung phương thức xét tuyển mới
Năm 2024, một số trường đại học đổi mới đề án tuyển sinh bằng cách bổ sung phương thức xét tuyển mới.
Học viện Kỹ thuật quân sự bổ sung phương thức xét tuyển là sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM, ngoài các phương thức từng có ở năm 2023.
Năm 2024, Trường ĐH Y Dược Thái Bình sẽ là 1 trong 9 trường công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức để xét tuyển đại học.
Như vậy, Trường ĐH Y Dược Thái Bình cũng là trường đầu tiên trong khối ngành y dược sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()