Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:50 (GMT +7)
Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc điều trị bệnh COVID-19
Thứ 7, 11/09/2021 | 19:55:06 [GMT +7] A A
Hiện nay, bên cạnh vaccine, hiện các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để tìm kiếm các loại thuốc đặc trị COVID-19.
Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir (1,7 triệu liều) để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ trung bình, nặng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 11/9 tại Hà Nội.
Đã phân bổ gần 384.000 lọ thuốc Remdesivir
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, bên cạnh thuốc Remdesivir Bộ Y tế đang tiếp tục nhập các thuốc điều trị khác để điều trị các bệnh nhân trong tình trạng nặng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống các công ty dược nhập các nguyên liệu, thuốc và chủ động sản xuất để chuẩn bị cho chiến lược phòng, chống dịch bệnh lâu dài.
Bộ Y tế đã triển khai chương trình điều trị có kiểm soát tại cộng đồng với tổng cộng 129.820 người bệnh tham gia, bước đầu đã có kết quả khả quan, giảm nhanh nồng độ virus ở người mắc sau điều trị.
Trong công tác điều trị, theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, số ca khỏi bệnh là 338.000 (chiếm 59% số mắc); số ca đang theo dõi là 231.426, trong đó điều trị tại bệnh viện 96.839 (41,7%), tại khu cách ly tập trung là 52.791 (chiếm 22,8%), điều trị tại nhà là 82.246 (35,5%).
Thời gian gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực; có 28 tỉnh chưa có ca tử vong.
Hiện nay, bên cạnh vaccine, hiện các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để tìm kiếm các loại thuốc đặc trị COVID-19. Thuốc điều trị được đánh giá là sự bổ sung quan trọng cho cuộc chiến chống COVID-19.
Ngày 10/9, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 156.168 lọ (tương đương 1.446 thùng) thuốc Remdesivir 100mg để phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế. Đây là lần phân bổ nhiều nhất thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đến thời điểm này.
Trong đợt phân bổ lần 6, Bộ Y tế phân bổ cho 46 đơn vị gồm các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long.
Một số Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đặc biệt, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ nhiều nhất với gần 40.000 lọ Remdesivir.
Như vậy đến nay, tính cả 5 đợt phân bổ trước đó, đã có gần 384.000 lọ thuốc Remdesivir được Bộ Y tế phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và Sở Y tế một số địa phương.
Nguồn cung thuốc còn khan hiếm
Theo các chuyên gia y tế, đến nay, cuộc đua sản xuất thuốc điều trị COVID-19 vẫn diễn ra vô cùng quyết liệt. Nguyên nhân của sự khác biệt này do thuốc và vaccine có cơ chế hoạt động khác nhau. Với vaccine - chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.
Hiện một số quốc gia đang sử dụng một số loại thuốc có sẵn để điều trị COVID-19. Thuốc Remdesivir từng được nghiên cứu để trị bệnh Ebola và viêm gan C đã được phê duyệt hoặc cho phép sử dụng tạm thời như một phương pháp điều trị COVID-19 ở Mỹ và 50 quốc gia. Remdesivir giúp tăng khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng. Năm 2020, Mỹ đã mua gần hết thuốc Remdesivir.
Theo các nhà khoa học, có hai quá trình chính là nguyên nhân dẫn đến cơ chế sinh bệnh của COVID-19. Giai đoạn đầu của bệnh chủ yếu là sự nhân lên của virus SARS-CoV-2. Sau đó, diễn tiến bệnh COVID-19 dường như được thúc đẩy bởi các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cơ thể đối với virus dẫn đến các tổn thương mô. Dựa trên sự hiểu biết này, các nhà khoa học cho rằng các liệu pháp trúng đích trực tiếp vào virus SARS-CoV-2 sẽ có hiệu quả cao nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.
Trong khi các liệu pháp miễn dịch hay kháng viêm có thể có lợi hơn trong giai đoạn sau của bệnh COVID-19. Do đó, các nhà khoa học hy vọng các loại thuốc kháng virus được thiết kế nhắm đến ngăn chặn sự sinh sản nhân lên của virus, qua đó có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.
Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đang tìm cách chuyển Remdesivir từ dạng tiêm sang dạng uống để có thể sử dụng tại nhà, tránh kéo dài thời gian nhập viện đồng thời tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng.
Theo các chuyên gia dịch tễ học, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa. Vì vậy, thuốc điều trị COVID-19 cũng là vấn đề các nước cần quan tâm thúc đẩy. Nguyên nhân là do số lượng ca mắc COVID-19 vẫn không ngừng tăng, việc xuất hiện các trường hợp tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19, do vậy việc tìm ra được một loại thuốc giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này là giải pháp bền vững.
Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện gần 2 năm và hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến thể mới phát sinh. Các chuyên gia cho rằng, để chung sống bình thường với COVID-19 cần đảm bảo 3 yếu tố: xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vaccine nhưng cũng cần phát triển nhanh thuốc trị bệnh./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()