Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:42 (GMT +7)
Bóng chuyền hơi - Sân chơi cho mọi lứa tuổi
Thứ 7, 16/12/2023 | 08:20:08 [GMT +7] A A
Bóng chuyền hơi là môn thể thao đang phát triển mạnh mẽ ở các địa phương của Quảng Ninh. Tuy nhiên, để đưa bóng chuyền hơi phát triển quy củ hơn nữa, cần có nhiều yếu tố thúc đẩy phong trào.
Giải Vô địch Bóng chuyền hơi nữ tỉnh Quảng Ninh năm 2023 vừa được tổ chức thành công đầu tháng 12/2023. Giải đấu thu hút 108 VĐV của 9 đội đến từ 4 địa phương trên địa bàn tỉnh là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái. Các VĐV thi đấu ở 2 nhóm tuổi là 18-45 và 46-60.
Theo đánh giá, giải đã thực sự tạo ra một sân chơi bổ ích thúc đẩy các địa phương, các đội bóng phát triển phong trào. Các VĐV được cọ xát, thi đấu và thêm động lực rèn luyện kỹ năng bản thân. Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển phong trào, dường như giải đấu chưa hội tụ được hết nguồn lực từ các địa phương khi vắng mặt nhiều địa phương có phong trào tốt như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đông Triều.
Ở Quảng Ninh, bóng chuyền hơi đã “bén rễ” và phát triển mạnh mẽ trong vòng 3-5 năm gần đây. Không chỉ ở các đô thị như Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Móng Cái, rất nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa như Ba Chẽ, Bình Liêu... cũng có sự phát triển rất mạnh mẽ.
Theo đánh giá, sở dĩ bóng chuyền hơi nhanh chóng phát triển rộng bởi nhiều ưu điểm. "Bóng chuyền hơi cũng gần giống như bóng chuyền truyền thống, là môn thể thao phong trào mang tính tập thể, dễ chơi, dễ tập luyện, phù hợp mọi độ tuổi. Đây cũng là môn thể thao phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi khu dân cư, bởi diện tích sân vừa phải, có thể chơi tại sân nhà văn hóa, sân trường học, sân cơ quan, công viên... Phù hợp rèn luyện sức khỏe, phát triển phong trào ở các địa phương" - ông Lê Đức Đại, Phó Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở VH-TT) chia sẻ.
Quả thật, so với các môn thể thao khác, chi phí đầu tư cho bóng chuyền hơi không nhiều, chỉ cần bộ lưới và trái bóng cao su. Luyện tập bóng chuyền hơi không phức tạp, không đòi hỏi thể lực, tốc độ, hay sức mạnh cơ bắp, lại ít gây chấn thương... nên hầu như ai cũng có thể tham gia tập luyện. Bóng chuyền hơi không có động tác kỹ thuật khó, nhưng lại tạo cho người chơi sự uyển chuyển, linh hoạt, tăng sự vận động dẻo dai cho cơ, khớp gối.
Ở góc độ người chơi, chị Nguyễn Thị Thủy (Đội trưởng Đội bóng chuyền hơi TP Cẩm Phả) chia sẻ: Những người đã tập luyện cả hai môn bóng chuyền da và bóng chuyền hơi đều nhận thấy bóng chuyền hơi dễ chơi hơn, vì trọng lượng bóng nhẹ, khi tập luyện và thi đấu không bị đau tay, ít gặp chấn thương như bóng chuyền da. Luật bóng chuyền hơi cũng linh hoạt hơn. Vì vậy, bóng chuyền hơi phù hợp với nhiều đối tượng ở các lứa tuổi khác nhau.
Về trang bị, lưới và bóng dùng để chơi bóng chuyền hơi có chi phí không lớn. Lưới bóng chuyền hơi thấp hơn so với chơi bóng chuyền da, sân chơi cũng nhỏ hơn, quả bóng to hơn, nhẹ hơn, nên không gây đau tay, phù hợp nhu cầu vận động, giải trí cho mọi lứa tuổi, thậm chí cả người trung, cao tuổi.
Có lẽ vì dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với bóng chuyền da, nên phong trào chơi bóng chuyền hơi nhanh chóng lan rộng trong các lứa tuổi, từ CBCNVC trong các đơn vị, nhà máy, đến người dân ở các khu dân cư... Tại các thôn, xóm, xã, phường, các CLB, các đội bóng chuyền hơi được thành lập, tận dụng sân chơi của nhà văn hóa, cơ quan, thu hút được đông đảo các lứa tuổi tham gia.
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 CLB bóng chuyền hơi cơ sở ở 13 huyện, thị xã, thành phố. Đáng chú ý là các địa phương vùng sâu, vùng xa như Ba Chẽ lại có trên 30 CLB ở cơ sở, Bình Liêu cũng có hàng chục CLB...
Tuy nhiên, các yếu tố để kích thích, phát triển phong trào, các giải đấu cho môn này vẫn còn khiêm tốn. Về giải đấu, ngoài những giải đấu mang tính giao lưu ở địa phương, hiện chỉ có 2 giải đấu chính quy cấp tỉnh do Sở VH-TT phối hợp với Hội LHPN và Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức thường niên.
Các giải đấu này đa phần là dành cho VĐV nữ, phân chia phạm vi lứa tuổi rộng, như dưới 45 tuổi và 46-60 tuổi tại Giải Vô địch bóng chuyền hơi nữ năm 2023 vừa qua. Hiện chưa có các giải đấu khác áp dụng đa dạng các lứa tuổi, cho các CLB, các địa phương, hoặc giải đấu cho các VĐV xuất sắc, bởi thực tế có nhiều VĐV bóng chuyền truyền thống chuyên nghiệp đã chuyển môn. Vì thế, cần thiết có nhiều giải đấu quy củ hơn, ở nhiều cấp độ hơn để phân loại VĐV.
Hiện nay, Quảng Ninh có Đội bóng chuyền nữ chuyên nghiệp, nhiều đội bóng chuyền phong trào của ngành than và ở các đơn vị. Phong trào bóng chuyền hơi cũng phát triển khá tốt. Vì vậy, việc thành lập một tổ chức chung góp phần hỗ trợ cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước thiết nghĩ là rất cần thiết cho phát triển phong trào và thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu hơn nữa.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()