Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:35 (GMT +7)
Bóng chuyền nữ Quảng Ninh: Gian nan con đường trở lại
Thứ 7, 04/09/2021 | 08:33:59 [GMT +7] A A
Là niềm tự hào của Vùng mỏ, bóng chuyền nữ Quảng Ninh trước đây giành được nhiều thành tích vang dội, nhưng lại thi đấu trồi sụt và đang nỗ lực trên con đường trở lại nhiều gian nan.
Thành lập từ năm 1960, trên cơ sở phong trào mạnh ở địa phương, bóng chuyền nữ Quảng Ninh nhanh chóng phát triển và dần có bề dày thành tích đáng tự hào, như: 2 lần vô địch toàn miền Bắc, 9 lần vô địch quốc gia, giành vị trí cao ở nhiều kỳ Đại hội TDTT. Đi kèm đó là những gương mặt vang danh một thời, trụ cột của đội tuyển quốc gia (ĐTQG), như: Nguyễn Thị Thanh, Lê Thị Cẩm, Trần Thị Hiền, Trần Thị Yến, Lê Thị Hiền (hiện đang là HLV phó Đội bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh)... Đội còn nhiều lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động.
Thế nhưng, niềm tự hào đó giờ có lẽ chỉ còn nằm trong ký ức của nhiều người. Bẵng đi một thời gian khá dài, người hâm mộ không còn nghe nhắc tới đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh như một thế lực, một đối trọng của nhiều đội bóng thuộc hàng top đầu Việt Nam.
Gần đây, bóng chuyền nữ Quảng Ninh dường như đang dần hồi sinh, nỗ lực đổi mới. Đó là ở mùa giải năm 2020, đội bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh (TQN) ở giai đoạn 2 đã mời cựu HLV ĐTQG Thái Thanh Tùng về nắm quyền HLV trưởng, thay cho HLV Lê Thị Hiền rời vị trí này vì lý do sức khoẻ. Dù kết quả chỉ khiêm tốn, đứng thứ 6 chung cuộc, nhưng đội đã cho thấy sự thay đổi, không dễ bắt nạt, hay được coi là đội cung cấp điểm cho các đối thủ như trước nữa.
Trong mùa giải 2020-2021, Đội bóng chuyền nữ TQN khiến nhiều người hâm mộ phấn khởi khi mời HLV ĐTQG Nguyễn Tuấn Kiệt về làm HLV trưởng. Vị HLV này được đánh giá cao về chuyên môn, cùng HLV phó Lê Thị Hiền tái hiện "cặp bài trùng" từng xuất sắc đem về HCB môn bóng chuyền nữ tại SEA Games 30 (Philipines).
Đồng thời, đội cũng bổ sung nhiều nhân sự để bổ khuyết điểm yếu, gia tăng chất lượng đội hình như: Phụ công Lưu Thị Huệ (cao 1,85m); 2 chủ công trẻ Vi Thị Như Quỳnh và Đoàn Thị Xuân từng là chủ lực của đội bóng chuyền nữ Viettinbank... Nhờ đó, đội có thể nắm trong tay bộ khung chất lượng, ổn định, kết hợp với các cựu binh từ mùa giải trước, như: Chủ công Nguyễn Thị Hải Yến (đội trưởng), phụ công Triệu Thanh Huyền, cùng các libero Lê Thị Yến, Đào Hồng Hạnh, Hồ Thu Trang...
Điều đáng chú ý là HLV Nguyễn Tuấn Kiệt là người rất “mát tay”, chú trọng cách làm bền vững, quan tâm tới đào tạo trẻ. "Ngoài kế hoạch, lộ trình, hướng đi rõ ràng, việc củng cố các tuyến VĐV là cách làm bền vững để giúp đội phát triển hơn nữa, vươn lên ở sân chơi đội mạnh quốc gia, ổn định cả ở nền tảng đào tạo VĐV trẻ trong tương lai" - HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ.
Ngoài công việc huấn luyện đội chính, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chịu trách nhiệm chuyên môn, quan tâm dìu dắt, đào tạo các tài năng trẻ để bổ khuyết, gia tăng chất lượng, độ dày cho các vị trí. Vì thế, đội cũng định hướng sẽ đào tạo các vị trí chủ chốt, hoặc đang thiếu, như: Chuyền hai, phụ công... để thế hệ kế cận có thể thay thế đàn chị trong tương lai gần.
Thế nhưng, để bóng chuyền nữ TQN khẳng định sức mạnh, dần lấy lại hình ảnh xưa không hề đơn giản. Bởi lẽ, việc đào tạo trẻ không dễ, khi còn quá nhiều vấn đề, như: VĐV đầu vào còn khó, chưa chất lượng, ít được cọ xát do các giải hoãn vì dịch bệnh; nhiều VĐV đội chính đã lớn tuổi; hay việc lắp ráp, gắn kết đội hình... Đặc biệt, hiện đội chưa có một nhà tài trợ chính thức. Ngay sau khi kết thúc giai đoạn 1, bóng chuyền nữ Thái Bình đã nhận tin vui từ nhà tài trợ Geleximco, để lại TQN là số ít đội chưa có nhà tài trợ.
Bóng chuyền hiện nay đã và đang thay đổi rất mạnh mẽ. Dễ thấy "cái khó bó cái khôn". Khó khăn về kinh phí đã kéo theo nhiều hạn chế của bóng chuyền nữ khi khó chiêu mộ được VĐV giỏi, chế độ đãi ngộ cho VĐV còn nhiều thiệt thòi, lương thưởng thấp... Điều này cũng dễ lý giải cho những năm tháng thi đấu trồi sụt, kém bản sắc của đội, dù giàu truyền thống, có nhiều HLV, VĐV tâm huyết. Trong khi đó, nhiều đội thi đấu hay, "thoát xác" từ "bầu sữa" nhà tài trợ.
Tại vòng 1 Giải Vô địch quốc gia năm 2021 vừa qua, người hâm mộ Vùng mỏ vui khi thấy đội thắng dễ dàng Viettinbank, thi đấu ngang ngửa, thậm chí có thời điểm dẫn trước khá sâu các đội mạnh, như: Bộ Tư lệnh thông tin, Deveco Ninh Bình... Tuy nhiên, qua "thử lửa" tại giải mới thấy điểm yếu ở độ dày, chất lượng đội hình...
Trong quá khứ, bóng chuyền nữ Quảng Ninh đã từng 3 lần vô địch ở các mùa giải 1999, 2000 và 2001; giành vị trí thứ 2 ở mùa giải 2005 với sự tài trợ lần lượt của Bưu điện tỉnh, Tập đoàn Tuần Châu. Giờ đây, bóng chuyền nữ Quảng Ninh đang trên đường xây dựng, tìm lại chính mình. Nỗ lực của thầy trò Tuấn Kiệt - Lê Hiền đang có những bước tiến khả quan, đúng hướng. Cùng với cơ chế, sự hỗ trợ của tỉnh, có lẽ đội sẽ đi nhanh hơn nếu có một nhà tài trợ. Qua đó khẳng định sức mạnh, tìm lại vị thế xưa, đây chắc hẳn cũng là điều nhiều người hâm mộ Vùng mỏ mong đợi từ lâu.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()