Liên đoàn Bóng đá Nga (RFS) tuyên bố sẵn sàng rời Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) để gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trong tương lai gần.
Tất cả chuyên mục
Liên đoàn Bóng đá Nga (RFS) tuyên bố sẵn sàng rời Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) để gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trong tương lai gần.
Liên đoàn Bóng đá Nga (RFS) tuyên bố sẵn sàng rời Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) để gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trong tương lai gần.
"Vài tháng trước, tôi đã nói rằng ý tưởng gia nhập bóng đá châu Á là hơi sớm. Nhưng bây giờ đó là một cơ hội mà chúng ta nên xem xét", Chủ tịch RFS Aleksandr Dyukov nói với RIA, "Tôi chưa nói chuyện với AFC vì UEFA vẫn coi chúng tôi là một phần của châu Âu. Sẽ thật khiếm nhã nếu tham gia đàm phán sau lưng họ. Nhưng đó là khả năng chúng tôi đang xem xét".
Đây là lần đầu tiên RFS xác nhận về khả năng rời bỏ UEFA để gia nhập AFC. Vào tháng 3, truyền thông Nga tiết lộ các quan chức của nền bóng đá nước này xem việc gia nhập AFC là cứu cánh để các ĐTQG và CLB của họ tiếp tục được thi đấu quốc tế.
Bóng đá Nga đang chịu lệnh cấm vô thời hạn từ FIFA và UEFA. Tuyển quốc gia nam của họ không được đá vòng play-off World Cup 2022 trong khi tuyển nữ bị tước quyền chơi vòng chung kết EURO 2022. Ở cấp CLB, đội duy nhất của Nga còn chơi ở cúp châu Âu mùa trước Spartak Moscow bị loại khỏi Europa League.
Bóng đá Nga bị cô lập kể từ đầu năm dù các giải trong nước vẫn diễn ra bình thường. Điều này khiến các quan chức của RFS phải nhanh tìm ra giải pháp. Vào tháng 7, Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế (CAS) giữ nguyên lệnh cấm của FIFA và UEFA sau khi RFS nộp đơn kháng cáo lên tổ chức này. Gia nhập AFC được xem là phương án khả dĩ nhất có thể giúp bóng đá Nga sớm trở lại sân chơi quốc tế.
Trong quá khứ, từng có tiền lệ các nền bóng đá đổi từ thành viên của châu lục này sang châu lục khác. Năm 1974, Israel rời AFC để làm thành viên của UEFA. Năm 2005, Australia xin gia nhập AFC sau một thời gian dài là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Châu Đại Dương (OFC).
Ý kiến ()