Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:02 (GMT +7)
TP Hạ Long: Thành quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 2, 05/12/2022 | 11:26:32 [GMT +7] A A
Đến nay, TP Hạ Long cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Có được kết quả đó là do thành phố đã xây dựng sớm các chương trình hành động, kế hoạch công tác, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt các giải pháp.
Chủ động, linh hoạt các giải pháp
Trong suốt gần 3 tháng đầu năm, thành phố bị dịch Covid-19 bủa vây với số ca bệnh tăng mạnh từng ngày. Có những thời điểm, mọi hoạt động phát triển kinh tế của thành phố dường như bị cô lập giữa vòng vây của dịch bệnh, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, các chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch, vận tải bị ngưng trệ, dẫn đến thu nhập của nhiều người dân bị giảm sút.
Trước những thách thức này, thành phố đã phát huy hiệu quả tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chủ động trong mọi tình huống. Để chặn đứng đà lây lan của dịch Covid-19, thành phố đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của trung ương, của tỉnh với quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước các biến thể mới của dịch để giữ vững địa bàn “An toàn, ổn định, phát triển”.
Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó tập trung vào lĩnh vực mới, khó như: Kinh tế số; đầu tư công; thu hồi đất; chuyển đổi đất lúa, đất rừng; xử lý nguồn đất đào, đắp, san lấp, vận chuyển trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn… Trong tổ chức thực hiện, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để giải quyết các tồn tại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách nhà nước, thi công các dự án...
Thành phố tăng cường lãnh đạo công tác quản lý nhà nước, chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, nhất là quy hoạch, đất đai, xây dựng, trật tự đô thị. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư để phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I.
Nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thành phố thành lập Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, để phân tích, đánh giá, kiên quyết khắc phục các tồn tại trong thực hiện các chỉ số cải cách hành chính thời gian qua. Tổ công tác chủ động thực hiện nhiều kênh kết nối thông tin với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết bằng được các vấn đề thuộc trách nhiệm của thành phố. Thành phố thường xuyên chấn chỉnh, công khai danh sách cán bộ có liên quan đến việc trả hồ sơ chậm muộn cho công dân và các tổ chức; nhờ đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế số, từ tháng 4/2022 thành phố phối hợp với các ngân hàng, đơn vị viễn thông triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh phát triển kinh tế, thành phố tập trung các giải pháp phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Thành quả ấn tượng
Với nhiều giải pháp quan trọng được thực hiện quyết liệt trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố đến thời điểm này cơ bản đạt mức cao so với chỉ tiêu Nghị quyết số 56-NQ/TU (ngày 15/12/2021) của Thành ủy "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022". Trong số 23 chỉ tiêu đặt ra, dự kiến có 20 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; 3 chỉ tiêu còn lại thành phố đang nỗ lực dồn sức để hoàn thành.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15,9%; thu nội địa (không tính tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt đất, mặt nước, phí tham quan Vịnh Hạ Long) tăng 15,1%; tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân đạt 62,4% trong tổng chi ngân sách; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng 10%; thành lập mới 1.050 doanh nghiệp, đạt 105%; thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2022; hoàn thiện hồ sơ về hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,3%; tạo việc làm mới cho trên 6.500 lao động…
Từ đầu năm đến nay, thành phố đón khoảng 7,1 triệu lượt du khách (bằng 4,4 lần so với năm 2021), tổng thu từ du lịch đạt 14.500 tỷ đồng (bằng 6 lần so với năm 2021); khởi công mới 38 dự án, tổng mức đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, trong đó có các dự án: Tuyến đường từ nút giao thông cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (thôn Trại Me, xã Sơn Dương, đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm); tuyến đường liên xã đoạn (thôn Mỏ Đông, xã Sơn Dương qua các thôn Đèo Đọc, Cài, xã Đồng Lâm đến trung tâm xã Đồng Sơn); nhà ở xã hội hhu dân cư đồi Ngân hàng...
Ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn, những kết quả trên càng thể hiện rõ tinh thần quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Điều quan trọng hơn cả là từ những thách thức, cơ hội đan xen là môi trường rèn luyện để đội ngũ cán bộ, công chức thành phố ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là yếu tố rất quan trọng để Hạ Long tiếp tục tạo dựng những bước đi vững chắc cho kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()