Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:28 (GMT +7)
Bùi ngùi những cảnh đời chạy thận
Chủ nhật, 17/09/2023 | 14:55:52 [GMT +7] A A
Gắn với căn bệnh hiểm nghèo, phải "chung thân" chạy thận, các bệnh nhân ở xóm chạy thận mỗi người mỗi cảnh xót xa. Nhưng có lẽ sự quan tâm ấm áp của cộng đồng là động lực để họ đi tiếp chặng đường khó khăn phía trước.
Vật lộn với bệnh tật
Nằm gọn trong ngõ nhỏ, chân con dốc cao trên đồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh (phố Tuệ Tĩnh, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) là xóm trọ của những bệnh nhân chạy thận. Hầu hết họ là những bệnh nhân đến từ các vùng sâu xa của tỉnh, gia cảnh nghèo khó. Họ trọ ở đây vì không có điều kiện đi lại nên phải thuê ở gần bệnh viện để thuận lợi cho việc cấp cứu.
Chúng tôi đến thăm xóm trọ trung tuần tháng 9. Xóm chạy thận nằm cuối con dốc cao được gọi là đồi con Ốc (thuộc tổ 51, khu 4, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), đường vào nhỏ, dốc, khúc khuỷu. Đây là mái ấm cho những mảnh đời khó khăn mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, suy thận độ 4 - 5.
Vào xóm trọ, tôi được bà Chu Thị Khang, 62 tuổi, trưởng xóm tiếp chuyện. Bà Khang (quê ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) là một trong hai bệnh nhân cao tuổi nhất ở đây. Bà Khang người gầy, da khô sạm, cánh tay gân guốc với từng đoạn tĩnh mạch nổi gồ lên do biến chứng của suy thận và nhiều lần chọc ống ven. Dù bị bệnh nặng nhưng bà vẫn vui vẻ, lạc quan với nụ cười móm mém thường trực.
Bà kể về hoàn cảnh của mình: Có lẽ khi trẻ vì tham công tiếc việc nên mắc bệnh. Năm 2012, tôi có triệu chứng ban đầu về bệnh thận, tuy nhiên chưa phát hiện ra căn bệnh quái ác này. Năm 2014, tôi thấy sức khỏe sa sút, nằm viện cũng không đỡ. Năm 2015, kiểm tra kỹ thì phát hiện suy thận nên phải thuê ở trọ để tiện chạy thận lọc máu.
Là một trong những bệnh nhân trẻ ở xóm trọ, chị Đặng Thị Phương, người dân tộc Dao Thanh Phán, đến từ xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. Chị Phương kể ban đầu hoàn toàn không biết và không có triệu chứng gì về căn bệnh hiểm nghèo này. Chỉ tới khi cảm thấy thường xuyên đau đầu, buồn nôn... Năm 2015, sau quá trình thăm khám bác sĩ tại địa phương, rồi lên tuyến tỉnh mới phát hiện ra thì căn bệnh suy thận đã ở giai đoạn 4.
"Đây thực sự là cú sốc với bản thân tôi bởi trước đó sức khoẻ tôi vẫn rất tốt. Những ngày đầu, để có tiền chữa bệnh gia đình tôi đã phải bán con trâu là tài sản đáng giá nhất của cả nhà để nhập viện. Gia đình làm nông, con cái vẫn đang độ tuổi ăn học, bệnh nặng lại càng khiến hoàn cảnh gia đình khánh kiệt" - chị Phương buồn rầu kể.
Một trong những người có thâm niên chạy thận, gắn bó với bệnh viện 11 năm là chị Hoàng Thị Năm, 51 tuổi, nhà ở huyện Bình Liêu. 11 năm mắc bệnh khiến cơ thể chị Năm bị bào mòn, biến chứng nhiều bệnh về gan, tụy, dạ dày, rối loạn tiền đình…
Những ngày đầu khi cơ thể có những triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, phù nề, chị đã đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện nhưng không tìm ra căn nguyên bệnh. Mãi cho đến khi được chuyển tuyến khám và điều trị thì tình trạng bệnh đã trở nặng, ở giai đoạn cuối.
Chị Năm bùi ngùi: Từ đó đến nay tôi phải gắn chặt với bệnh viện để chạy thận nhân tạo. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi thu nhập chính chỉ trông vào vài thửa ruộng, có giai đoạn tôi từng nghĩ sẽ buông xuôi bởi nghĩ đến việc lấy đâu ra chi phí cho quá trình chạy thận đến suốt đời.
Cơn thập tử nhất sinh của 11 năm về trước đến giờ tôi vẫn không thể quên. Khi đó tôi được đưa thẳng từ Bình Liêu về Hạ Long trong đêm, mất 20 ngày điều trị tích cực mới có thể tập đi lại được. Mắc căn bệnh này là xác định gắn bó "chung thân" với nó, mài mòn sức khoẻ và kinh tế gia đình.
Không chỉ có những hoàn cảnh đó, theo bà Khang, ở xóm chạy thận này có 10 bệnh nhân. Mỗi trường hợp là một hoàn cảnh, người thì ở biển đảo xa xôi, người ở vùng sâu xa, người là dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình đều gặp nhiều khó khăn.
Gánh nặng chi phí và niềm vui nhỏ
Không chỉ chịu nỗi đau bệnh tật, một trong những nỗi lo mà bà Khang, chị Năm, chị Phương và những hoàn cảnh đáng thương khác ở xóm trọ này chính là gánh nặng chi phí trong quá trình điều trị căn bệnh.
Theo chị Phương thì chi phí ăn ở, điều trị dù hết sức tiết kiệm, chị cũng tốn vào khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đây cũng là con số khá lớn so với thu nhập bình quân của gia đình chị. Trong khi thu nhập chính chỉ trông vào rừng trồng keo và đi làm thuê cho những chủ rừng khác. Nhưng công việc không ổn định, ngày nắng còn có việc để làm nhưng ngày mưa phải nghỉ việc và không có thu nhập.
Còn với chị Năm, chị phải điều trị, chạy thận nhân tạo 3 ngày/tuần, khiến chị không thể có điều kiện đi đi về về. Tất cả chi phí điều trị trừ bảo hiểm, tiền thuốc điều trị, tiền nhà trọ, tiền ăn cũng ngốn gần 4 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này là gánh nặng đối với chị và gia đình, những người chỉ trông chờ vào làm nông nghiệp.
Để gánh bớt chi phí, sinh hoạt, những bệnh nhân ở xóm chạy thận đỡ đần, chia sẻ khó khăn, đôi khi nấu nướng chung với nhau để tiết kiệm. Ở chung, chia sẻ khó khăn, dần coi nhau như người thân. Nhìn mâm cơm trưa được dọn ra cùng không khí đầm ấm nơi đây mới thấy được hết sự sẻ chia, đồng cảm của những con người trong hoạn nạn.
Chị Năm cho biết: Mấy chị em trong xóm thường nấu ăn chung để tiết kiệm chi phí cũng như quây quần với nhau khiến chúng tôi đỡ nhớ nhà. Thông thường vì lịch chạy thận 3 ngày/tuần nên hầu hết bệnh nhân chỉ về nhà vào cuối tuần. Đôi khi, sức khỏe yếu nhiều người 2 - 3 tuần mới về thăm gia đình. Xóm chạy thận giờ đây như ngôi nhà thứ hai của họ. Nơi đây đằng sau bệnh cảnh vẫn là sự đầm ấm tình yêu thương mà những bệnh nhân ấy giành cho nhau.
Sống nương tựa giúp đỡ lẫn nhau, các mảnh đời này cũng được an ủi, đỡ đần được chút chi phí điều trị khi được nhiều nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ. Bà Chu Thị Khang cho biết: Ở đây, chúng tôi đã được giúp đỡ có được chỗ ở tốt, miễn phí. Đó là cuối năm 2019, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển MNP và một số nhà hảo tâm đã tận dụng diện tích đất trống của một thành viên trong nhóm hảo tâm, xây dựng xóm trọ miễn phí cho các bệnh nhân chạy thận.
Xóm trọ nhỏ, gọn gàng không chỉ bớt được chi phí ở vài trăm nghìn tới cả triệu đồng/tháng mà còn giúp chúng tôi có chỗ ở đàng hoàng, thoáng mát, bớt nóng bức hơn so với những xóm trọ chen chúc ở kề Bệnh viện. Không chỉ vậy, các nhà hảo tâm còn tặng thêm cho xóm trọ chiếc tivi để các bệnh nhân giải trí, khuây khoả khi rảnh rỗi.
Có lẽ sự quan tâm, động viên ấm áp đó là động lực để những bệnh nhân hiểm nghèo ở đây an tâm điều trị, vun lên nhiều hy vọng sống với căn bệnh hiểm nghèo này.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()