Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:24 (GMT +7)
Bước tiến trong xây dựng trường chuẩn quốc gia
Thứ 4, 09/03/2022 | 08:06:40 [GMT +7] A A
Ngành GD&ĐT tỉnh luôn xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện thường xuyên. Nhờ đó diện mạo, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao.
Diện mạo Trường Mầm non Phương Đông (TP Uông Bí) hiện thay đổi rất nhiều. Trước đây điểm trường chính là những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp, không có nhà vệ sinh khép kín; nay là ngôi trường rộng rãi, khang trang với 12 phòng học, đầy đủ các phòng chức năng, cơ sở vật chất hiện đại.
Cô giáo Phạm Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường hiện có 521 trẻ, 19 lớp. Được sự quan tâm của thành phố, từ tháng 8/2021, nhà trường đã có cơ sở vật chất mới rất hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường luôn cố gắng, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi tư duy, phương pháp quản lý, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, để từ đó nâng cao tỷ lệ trẻ ra lớp. Những kết quả đó đã giúp nhà trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 2/2022.
Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục chú trọng xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh Trường Mầm non Phương Đông, trong tháng 2 vừa qua, Sở GD&ĐT đã ban hành quyết định cấp bằng công nhận trường chuẩn mức độ 1 cho Trường THPT Nguyễn Bình (TX Đông Triều); mức độ 2 cho Trường Mầm non Hoàng Quế, Trường Mầm non Yên Thọ (TX Đông Triều).
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song công tác xây dựng trường chuẩn tại nhiều nơi, nhiều trường vẫn còn gặp khó khăn, cần sự tháo gỡ. Trong 5 tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia (tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; hoạt động và kết quả giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội), nhiều trường chủ yếu bị “hổng” về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Yên Hưng (TX Quảng Yên) cho biết: Khi mới thành lập (năm 2000), Trường chỉ có cấp THPT. Cấp học này được công nhận chuẩn quốc gia năm 2012. Đến năm 2018, Trường mở thêm 2 cấp, tiểu học và THCS. Để được công nhận lại trường chuẩn quốc gia gặp khá nhiều khó khăn, vì theo quy định mới của chương trình GDPT 2018, sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị lại chưa phù hợp. Nhà trường đang tích cực tham mưu với chủ đầu tư xây dựng lộ trình, rà soát điều kiện, tiêu chí để đầu tư thêm cơ sở vật chất, trường học đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018.
Theo Sở GD&ĐT, đến tháng 2/2022, toàn tỉnh có 554/631 trường chuẩn quốc gia (87,8%). Trong đó: Cấp mầm non có 190/226 trường (84,07%); cấp tiểu học có 147/160 trường (91,88%); cấp THCS có 175/188 trường (93,09%); cấp THPT có 42/57 trường (73,68%). Các địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao là: Ba Chẽ, Cô Tô (100%); Đầm Hà (96,43%); Đông Triều (96,34%); Tiên Yên (94,24%); Quảng Yên (92,19%).
Kết quả này là sự quan tâm của tỉnh, các địa phương cho sự nghiệp giáo dục trong nhiều năm qua. Chi cho GD&ĐT chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Riêng giai đoạn 2015-2020, tỉnh chi gần 22.000 tỷ đồng cho lĩnh vực GD&ĐT.
Cán bộ, giáo viên các trường học chủ động tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. 10 năm qua, toàn tỉnh có trên 40.000 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm của các nhà giáo được hội đồng khoa học từ cấp cơ sở đến cấp ngành đánh giá, xếp loại và phổ biến, ứng dụng rộng rãi vào giáo dục.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()