Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:02 (GMT +7)
Bình Liêu: Bứt phá trong công tác giảm nghèo
Thứ 6, 15/03/2024 | 15:57:11 [GMT +7] A A
13 năm vững bước trên hành trình xây dựng NTM cũng chính là 13 năm Bình Liêu luôn đặc biệt quan tâm, dành mọi nguồn lực đầu tư ưu tiên, phát huy hiệu quả tối đa mọi chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để thực hiện công tác giảm nghèo một cách quyết liệt, đồng bộ và toàn diện. Qua đó, không ngừng khơi dậy sức mạnh nội sinh, ý chí phấn đấu, khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững, quyết tâm xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nhân dân.
Nhận định nét đặc thù của Bình Liêu là vùng dân tộc, miền núi, biên giới với 96% là đồng bào DTTS, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, tạo sự phát triển, thu hẹp khoảng cách chênh lệnh vùng, miền. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, bài bản, khoa học, các sở, ngành luôn quan tâm, sát cánh với địa phương trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Hàng loạt chủ trương, nghị quyết phù hợp thực tiễn đã được ban hành, đặc biệt Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QPAN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã góp phần thổi luồng sinh khí mới để Bình Liêu vươn lên mạnh mẽ.
Với sự định hướng, quan tâm của tỉnh, cả hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Bình Liêu đã vào cuộc tích cực, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo trên địa bàn, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm vụ phát triển KT-XH hằng năm. Đặc biệt từ năm 2021 là thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, khắp các thôn, bản của Bình Liêu, người dân được tuyên truyền, vận động, từng bước xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti, mặc cảm, thay đổi tư duy, nắm được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện trong công tác giảm nghèo. Nhiều hộ dân đã bứt phá, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo dựng cuộc sống no ấm, tiến bộ.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2021, số hộ nghèo giảm từ 233 hộ, bằng 3,06% xuống còn 113 hộ, bằng 1,47%; 240 hộ thoát cận nghèo bằng 480% kế hoạch tỉnh giao và bằng 120% kế hoạch huyện giao. Năm 2022, triển khai chương trình giảm nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, số hộ nghèo giảm từ 413 hộ bằng 5,37% xuống còn 29 hộ, bằng 0,37%. Đến cuối năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương, toàn huyện không còn nghèo; hộ cận nghèo còn 96 hộ, bằng 1,23%; theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giai đoạn 2023-2025, toàn huyện còn 69 hộ nghèo bằng 0,89%, hộ cận nghèo còn 1.166 hộ, bằng 14,99%.
Hết năm 2023, niềm vui đến với gia đình chị Dương Thị Toàn (thôn Ngàn Vàng dưới, xã Đồng Tâm) khi đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh. Chị Toàn chia sẻ: Từ việc thu nhập không ổn định, gia đình tôi được xã định hướng phát triển mô hình chăn nuôi lợn, giới thiệu cho 2 con trai đến tuổi lao động đi làm trong ngành Than. Nhờ đó, gia đình đã đảm bảo cuộc sống, sửa chữa được ngôi nhà khang trang hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng được quan tâm hưởng thụ các dịch vụ an sinh xã hội đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hỗ trợ người dân đảm bảo các tiêu chí về nhà ở là một trong những kết quả nổi bật mà Bình Liêu đã đạt được. Riêng năm 2022, huyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa được gần 15 tỷ đồng để triển khai xây dựng nhà ở bền chắc và nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân. Toàn huyện đã xóa 211 nhà tạm, hỗ trợ xây dựng 1.005 nhà tiêu hợp vệ sinh. Năm 2023, tiếp tục hỗ trợ 19 hộ xây, sửa nhà theo chỉ đạo của tỉnh về xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh.
Xác định giảm nghèo bền vững gắn với tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; tích cực hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả kết hợp giữa nông, lâm nghiệp và du lịch, dịch vụ. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 68,21%, trong đó số có bằng cấp chứng chỉ là 33,31%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 84,04%, trong đó số có bằng cấp chứng chỉ là 48,93%.
Trong năm 2024, Bình Liêu tập trung quyết liệt để thực hiện các chỉ tiêu chưa hoàn thành về nâng cao thu nhập cho người dân (đến năm 2025 đạt 100 triệu đồng/người); tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt 87%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51%); giải quyết dứt điểm vấn đề đất ở, đất sản xuất (còn khoảng 80 hộ dân thiếu đất ở hoặc thiếu đất sản xuất). Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, khả thi, mang tính đột phá nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là giảm tỷ lệ hộ cận nghèo một cách bền vững, phấn đấu không còn hộ nghèo, giảm 50% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 của tỉnh.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()