Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 14:29 (GMT +7)
Bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ 7, 31/08/2024 | 08:43:26 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh xác định: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững là khâu đột phá, cấp bách. Ngày 4/4/2024 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1061/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án kỳ vọng tạo sự bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà giúp tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030...
Những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù, riêng biệt, có tính đột phá. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025". Với Nghị quyết này, giai đoạn 2021-2023 có 33.022 lượt HSSV được hỗ trợ trên 39,3 tỷ đồng.
Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025", đã hỗ trợ cho 9.883 lượt HSSV trên 41 tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Nhờ có Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, sinh viên nhiều ngành của Trường đã được hỗ trợ học phí, tiền ăn, tiền mua đồ dùng học tập, miễn phí ở KTX, được thưởng nếu xếp loại học tập toàn khóa đạt loại giỏi, xuất sắc... Chính sách đã tạo động lực, điều kiện cho học sinh kinh tế gia đình thu nhập không cao, yên tâm theo học tại Trường và ở lại Quảng Ninh làm việc.
Từ những chính sách, cơ chế đặc thù cùng nguồn lực đầu tư thỏa đáng, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hằng năm (từ 62% năm 2014 lên 86,46% năm 2023). Tầm vóc, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động từng bước đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI. Công tác tuyển sinh đào tạo của tỉnh đạt bình quân trên 38.000 HSSV/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Tỷ lệ HSSV có việc làm sau đào tạo đến nay đạt trên 85%.
Giai đoạn 2021-2023 tỉnh có 603 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC tại tỉnh theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; 28 lớp đào tạo bồi dưỡng CBCCVC ở nước ngoài; đào tạo, bồi dưỡng khoảng 18.500 người cho các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xây dựng, du lịch…
Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, song công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh còn gặp một số khó khăn, ở một số lĩnh vực chưa có nhiều đột phá. Việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào các KCN, KKT, khu cửa khẩu, cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh còn hạn chế...
Vì thế Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được kỳ vọng góp phần tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng về số lượng, cơ cấu, chất lượng, đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh là nơi thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế, đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng phục vụ phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Đề án, đến hết năm 2025 tỉnh đặt mục tiêu tổng số 798.280 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 87,5%; số lao động cần đào tạo mới cấp chứng chỉ hằng năm 25.500 người; tỷ lệ CBCCVC đạt trình độ sau đại học là 16,4%. Cơ cấu nguồn nhân lực các ngành: Khu vực I giảm còn 22,11%; khu vực II giảm còn 28,64%; khu vực III tăng lên 49,25%. 62.900 lượt CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng trong nước, tương ứng khoảng 1.005 lớp thuộc các ngành học: Quản lý nhà nước, chính trị, ngoại ngữ, tin học; 750 lượt CBCCVC đào tạo, bồi dưỡng tại tỉnh theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; 1.100 lượt CBCCVC đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài, tương ứng khoảng 55 lớp.
Đến hết năm 2030 quy mô nguồn nhân lực của tỉnh khoảng 874.250 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 92,5%. Cơ cấu nguồn nhân lực các ngành: Khu vực I là 16,62%; khu vực II là 27,68%; khu vực III là 55,7%.
Để Đề án thực hiện hiệu quả, tỉnh đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp. Trong đó chú trọng nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đặc biệt xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, lao động tại chỗ, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý nhân lực, tài chính, tài sản công, các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực dùng chung về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu lao động của tỉnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực.
Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cấp xã; huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp để thành lập Quỹ học bổng hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực; tăng cường liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số của tỉnh.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()