Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:35 (GMT +7)
Bứt phá trong tăng trưởng kinh tế từ thu hút đầu tư
Thứ 7, 13/11/2021 | 09:06:11 [GMT +7] A A
Theo đánh giá của Chính phủ, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương thu hút được dòng tiền đầu tư lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã, đang tác động lớn đến nền kinh tế, việc thu hút được các nhà đầu tư đến tỉnh cho thấy tiềm năng phát triển của Quảng Ninh đang còn rất lớn. Mặt khác, điều này cũng chứng minh những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã, đang phát huy hiệu quả, tạo dựng được niềm tin với nhà đầu tư.
Sáng tạo, linh hoạt trong cách làm
2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đặt rõ mục tiêu phải hoàn thành mục tiêu kép theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đó là giữ địa bàn an toàn, ổn định, đảm bảo an toàn về sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân trước đại dịch; nhưng đi cùng với đó, phải giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, không vì đại dịch mà làm chậm nhịp phát triển.
Từ việc định hình rõ mục tiêu này, những chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tỉnh nghiên cứu, triển khai rất bài bản. Điều này đã đưa tỉnh trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước tính đến thời điểm này đang dẫn đầu cả nước ở 4 chỉ số cải cách, bao gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Trong đó, 2 chỉ số là PCI và PAR Index liên tiếp dẫn đầu 4 năm (2017, 2018, 2019, 2020).
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập mô hình cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh (IPA Quảng Ninh). Sau 10 năm hoạt động, cơ quan này đã ngày càng phát huy hiệu quả, khẳng định quyết tâm đổi mới, tư duy sáng tạo, bứt phá của Quảng Ninh trong huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển. Đáng chú ý, ở mỗi giai đoạn khác nhau, IPA Quảng Ninh đã nghiên cứu để có cách làm phù hợp nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư.
Điển hình như trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bị hạn chế khi đến làm việc trực tiếp, IPA Quảng Ninh đã tăng cường hỗ trợ trao đổi thông tin với nhà đầu tư qua các hình thức như: Email, điện thoại, văn bản…. Tính riêng từ đầu năm 2021 tới nay, IPA đã tiếp đón, làm việc trực tiếp và trao đổi trực tuyến với 16 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Công tác tiếp đoàn, trao đổi thông tin được thực hiện theo đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
“Sau các buổi làm việc, IPA tiếp tục chủ động bám sát để cung cấp thông tin bổ sung để các nhà đầu tư nghiên cứu. Một số tổ chức, cá nhân đang quan tâm nghiên cứu đầu tư, tìm hiểu sâu về các dự án tại tỉnh, như: Dự án Bệnh viện quốc tế kết hợp nghỉ dưỡng của Tập đoàn MCAG (Úc) và Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Anh Quân nghiên cứu; Dự án Nhà máy dệt nhuộm của Công ty TNHH Hyosung (Hàn Quốc); Dự án Nhà máy sản xuất nhà cửa lắp ghép thông minh kỹ thuật công nghiệp 4.0 của Công ty Zuru (New Zealand)…” - Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban IPA Quảng Ninh, cho biết.
Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh cũng đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch chi tiết, nhắm vào các thị trường nhà đầu tư được xác định là tiềm năng, chiến lược để “kích cầu”. Đơn cử như đối với thị trường Hàn Quốc: Đã thành lập Bộ phận hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc tỉnh Quảng Ninh (tháng 5/2021); ban hành Chương trình Xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư Hàn Quốc năm 2021, định hướng giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh; Ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc (KCCI) để tăng cường trao đổi kết nối thông tin về môi trường đầu tư Quảng Ninh với các nhà đầu tư Hàn Quốc… Hay đối với thị trường Nhật Bản, thời gian qua IPA đã làm việc với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đề xuất phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên sâu Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics; kiện toàn và khởi động hoạt động của Bộ phận hỗ trợ đầu tư Nhật Bản tỉnh Quảng Ninh…
Nhằm thu hút được các nguồn lực đầu tư trong điều kiện nhà đầu tư ngày càng khắt khe, “kỹ tính” hơn, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư. Đáng chú ý, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh đã công bố việc thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Investor Care). Tổ Investor Care là cơ quan thường trực được UBND tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi tình hình triển khai các dự án ngoài ngân sách, tổng hợp công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và báo cáo UBND tỉnh về kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc trên địa bàn tỉnh, đồng thời, đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết đảm bảo tiến độ, hiệu quả và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Để tăng hiệu quả hoạt động của Tổ, UBND tỉnh đã giao một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, các tổ phó là lãnh đạo các sở, ban, ngành và các thành viên là lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ, công chức có liên quan phụ trách lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư. Các thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu và bộ phận chuyên môn của các sở, ban, ngành, địa phương mình để giúp việc trong quá trình hoạt động.
Qua 4 tháng đi vào hoạt động, Tổ Investor Care đã nhận được sự vào cuộc tích cực hơn của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc phối hợp triển khai hỗ trợ cụ thể các thủ tục liên quan đến hoạt động triển khai sau đầu tư của các dự án ngoài ngân sách. Đến nay đã có 20 dự án (chiếm 51,28%) có sự thay đổi. Dự kiến đến cuối năm 2021, có thể xem xét, đưa vào khởi công, hoạt động 10 dự án đã được lựa chọn chủ đầu tư.
Được biết, mô hình Tổ Investor Care của tỉnh Quảng Ninh đã được VCCI đánh giá, xem xét đưa vào mô hình mới trong báo cáo của Dự án PCI quốc gia với USAID về những sáng kiến phát huy hiệu quả tích cực công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI.
Tạo thêm sức hút với nhà đầu tư
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có tác động xấu đến nền kinh tế, thu hút đầu tư ở nhiều địa phương tạm thời “hạ nhiệt”. Thế nhưng, Quảng Ninh vẫn thu hút được nhiều dự án lớn. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách trong tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 309,2 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng đạt 352.251 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 38 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 36.648,3 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 54 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 315.602 tỷ đồng.
Đầu tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tham vấn, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021. Tại buổi làm việc này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã đánh giá: Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong đổi mới, sáng tạo, rất xuất sắc trong việc huy động nguồn lực, được Trung ương đánh giá, ghi nhận cao. Đây cũng là nơi mà năng lực cạnh tranh không chỉ thi đua trên giấy tờ hay hô khẩu hiệu, mà đã đi vào thực tiễn, tạo ra giá trị, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều này cũng giúp cho tỉnh ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa.
Từ đầu năm 2021 đến nay, có thể thấy, liên tiếp những dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được khởi công, khởi động tại Quảng Ninh. Trong đó phải kể đến các dự án như: Dự án Jinko Solar 1, 2 của Tập đoàn Jinko Solar tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), tổng vốn đầu tư lên tới trên 865 triệu USD; dự án nhà máy Lioncore Việt Nam tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TP Hạ Long và TX Quảng Yên, tổng mức đầu tư dự án dự kiến 232.369 tỷ đồng; dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (TP Cẩm Phả), tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng; dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng; dự án Sân golf Đông Triều (TX Đông Triều), tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng…
Những dự án ngày càng tăng về quy mô vốn đã cho thấy sức hút lớn của địa phương với nhà đầu tư. Phát biểu tại buổi lễ nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko Solar 2, ngày 19/9, ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam), chia sẻ: Ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 1, chỉ sau 6 tháng, chúng tôi đã được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 2, chúng tôi thực sự rất vui mừng và phấn khởi. Kết quả này đã khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của tỉnh với doanh nghiệp chúng tôi.
Còn tại buổi gặp mặt xã giao với tỉnh Quảng Ninh ngày 11/11, ông Park Jung Kil, Chủ tịch Tập đoàn Bumjin đã bày tỏ: Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong suốt 2 năm qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ dự án nhà máy sản xuất loa điện tử của Tập đoàn tại Khu công nghiệp Đông Mai, TX Quảng Yên. Nhờ vậy việc xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, hoạt động 100% công suất chỉ sau 24 tháng triển khai. Đặc biệt trong 10 tháng năm 2021, doanh thu của dự án đạt gần 100 triệu USD. Với những ưu đãi và sự thuận lợi trong đầu tư kinh doanh tại Quảng Ninh, Tập đoàn đã có kế hoạch đưa thêm các dự án, sản xuất thêm các dòng sản phẩm chất lượng, tăng doanh thu hoạt động tại Quảng Ninh.
Theo đánh giá của các chuyên gia VCCI và các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã, đang có những dư địa rất tiềm năng để phát triển các dự án đầu tư. Trong đó phải kể đến như: Là địa phương liên tục đạt tăng trưởng cao, ổn định và luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 10,7%); thu ngân sách nội địa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. Tỉnh có hệ thống 16 khu công nghiệp, 3 khu kinh tế cửa khẩu và 2 khu kinh tế ven biển có tổng diện tích 377.670ha, được phân bố tại 11/13 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch. Cùng với đó là những chính sách rộng mở, ưu đãi và hỗ trợ tối đa nhà đầu tư phát triển, nhất là trong các lĩnh vực phát triển bền vững như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, dịch vụ, du lịch…
Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện cam kết, lời hứa với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về cải cách, đổi mới. Điều đó đã được hiện thực hóa trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, khi lần đầu tiên đưa 4 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI vào một Nghị quyết Đại hội. Tỉnh cũng đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của tất cả cán bộ, đảng viên toàn tỉnh trong công tác đổi mới, cải cách khi xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh).
Với cách làm hiệu quả, chiến lược lâu dài, sẽ giúp Quảng Ninh tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách một cách hiệu quả, bền vững hơn. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh nhằm tạo bứt phá trong tăng trưởng kinh tế giai đoạn Covid-19 và "hậu" Covid-19. Riêng năm 2021, tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế sẽ ở mốc 2 con số.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()