Tất cả chuyên mục

Ca dao Vùng mỏ ra đời và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của ngành Than. Trong đó, người thợ mỏ đã miêu tả chân thực cuộc sống thợ thuyền và gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Trong kho tàng văn học dân gian Quảng Ninh, phần ca dao Vùng mỏ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có sự phong phú về số lượng và đậm đà về nội dung.
Tiếng nói tố cáo áp bức, bóc lột
Giá trị lớn nhất của ca dao Vùng mỏ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 là giá trị hiện thực, phản ánh đời sống những nông dân vì nghèo đói, nợ nần, vì nghe lời dụ dỗ... mà ra mỏ làm phu; bị chủ mỏ và tay sai hành hạ, bóc lột đến cùng kiệt mà không thể lên tiếng. Vốn rất quen với vần điệu lục bát, họ sắp đặt thành những bài ca để cùng bạn bè chia sẻ. Những sáng tác này được truyền miệng qua các lớp người ở Vùng mỏ, trải qua những biến cố lịch sử và sự lưu giữ trong trí nhớ người thợ. Có khi những người nông dân nghèo kéo cả làng đi kiếm ăn ở hầm mỏ, thế nên ca dao Vùng mỏ là tiếng lòng chung của họ: “Tìm vào đến mỏ Hòn Gai/ Xin làm phu mỏ ở ngay dưới hầm/ Cuộc đời vất vả âm thầm/ Mông Dương, Cẩm Phả, Hà Lầm đều qua”.
![]() |
Cuộc đình công của thợ mỏ năm 1936. (Tư liệu của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh) |
Khảo sát 266 bài ca dao trước Cách mạng Tháng Tám thì có đến 205 bài (chiếm gần 80%) nói về cuộc sống khốn khổ của người phu mỏ. Đó là hiện thực về đời sống lao động cật lực chẳng những bị kéo dài thời gian làm việc, còn bị tăng cường độ lao động lên mức tối đa trong điều kiện bụi than mù mịt, với cơ sở hạ tầng tạm bợ, nguy hiểm: “Tay cầm cuốc mặt thì cúi gập/ Lưng gò vào như gấp làm đôi/ Loanh quanh xoay xở hết hơi/ Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù/ Mãi đến lúc sương mù bóng ngả/ Mới là giờ vội vã trèo lên/ Trông ra non nước hai bên/ Biết mình còn sống ở trên cõi trần”.
Người thợ ở dưới hầm tàu cũng cực nhọc, tối tăm không khác người thợ làm dưới lò sâu: “Mồ hôi ròng ròng mặt mũi than gio/ Quầy sâu chẳng khác hầm lò/ Âm ty quỷ sứ hay mồ hồng nhan/ Muối vừng cơm nắm pha than/ Vừa nhai vừa nuốt vừa san quầy tàu”. Thế nhưng, đồng lương mà bọn chủ trả cho người thợ quá bèo bọt, lại còn bị cắt xén, vì thế luôn túng thiếu, cùng quẫn: “Mỗi ngày hai bốn đồng xu/ Đi sương về mù khổ lắm ai ơi!”.
Có một lượng không nhỏ các bài ca dao tố cáo bộ mặt thực dân và tay sai. Để cưỡng bức người thợ làm việc theo ý muốn của chúng, chúng đã dồn ép, đánh đập họ một cách tàn nhẫn: “Ba toong đi lại nghênh ngang/ Chậm chân thì gậy nó phang vỡ đầu/ Công việc khoán nặng, khoán cao/ Làm mà không được xơi bao mũi giày/ Mồm quát tháo chân tay đá tát/ Đánh đập rồi cúp phạt hết lương”. Hết giờ lao động, những người thợ làm dưới quyền của cai nào thì ở luôn trong lán do cai đó quản lý: “Đêm ngủ lán dột nằm co/ Ngày ngày chui rúc trong lò tối tăm”. Mỗi năm hàng trăm thợ mỏ phải bỏ mạng vì tai nạn lao động, vì bệnh tật; người còn sống thì cũng vật vờ: “Đoàn người hay quỷ hay ma/ Tay mai tay cuốc sương sa mịt mù/ Hai bên gió núi ù ù/ Tưởng oan hồn của dân phu hiện về”. Đau khổ và cùng quẫn nhất vẫn là những người phụ nữ làm mỏ. Có khi họ phải địu con lên tầng, để ở bụi, rồi mẹ đi làm mặc cho con kiến cắn, muỗi đốt: “Vợ nghèo ẵm trẻ hài nhi/ Lên tầng để bụi rồi đi đẩy goòng/ Trẻ thơ nằm mớ bòng bong/ Nô đùa muỗi có đói lòng ngậm que”, hay như: “Mẹ ru con ngủ cho ngoan/ Mẹ còn xúc nốt xe than cho đầy/ Mẹ ru con ngủ cho say/ Làm xong chuyến nữa nghỉ tay mẹ về”.
Vốn xuất thân từ nông dân, người thợ mỏ yêu những bài ca dao miêu tả phong cảnh thiên nhiên bình dị, tươi đẹp. Ca dao Vùng mỏ cũng có cảnh đẹp, nhưng cảnh cũng chẳng còn là của phu mỏ, chẳng do họ làm chủ: “Hòn Gai có núi Bài Thơ/ Nhác trông đàn khỉ đu đưa trên cành/ Đêm nằm nghe vượn cầm canh/ Khỉ hời, vượn hỡi thấu tình cho chăng?”.
Ca dao Vùng mỏ sâu nặng tình người nhưng rất xót xa: “Tháng lương được có ba hào/ Thúng than trên đầu nặng lắm con ơi!”. Đến những lời tỏ tình cũng rất chân thật, gắn với nghề nghiệp: “Ngày ngày anh vẫn đi làm/ Đi qua nhà máy nhặt ngầm bù loong/ Đem về anh bỏ vào hòm/ Bắc cân bắc lạng còn non một vài/ Cẩm Phả xem thợ nào tài/ Thì anh kéo nhẫn, hoa tai... cho nàng/ Người ta kéo bạc kéo vàng/ Anh nay kéo xích sắt cho nàng, nàng ơi!”.
Vì vậy, ca dao trước Cách mạng Tháng Tám còn mang tinh thần phản kháng, ý chí đấu tranh tố cáo tội ác của chủ mỏ và tay sai. Đối tượng này được nhắc đến với cái tên tưởng như kính trọng (“sếp”, “ông cai”, “thầy cai”, “quan Tây”, “chủ nhất”, “chủ nhì”, “đốc công”) nhưng đi kèm với đó lại là sự khinh ghét (có nhiều từ miệt thị như “nó”, “kẻ”, “chúng”, “thằng”, “bọn”): “Tài nguyên than mỏ nước Nam/ Thằng Tây làm chủ, mình làm cu-li”.
Khi có sự dẫn lối chỉ đường của Đảng, rất nhiều những bài ca dao đã được sáng tác nhằm cổ vũ, vận động cách mạng. Từ những lời oán than, sự bất bình của người phu mỏ đã chuyển sang kêu gọi: “Noi gương Cách mệnh Tháng Mười/ Phá tan xiềng xích xây đời tự do”. Có những bài ca được công nhân mỏ sáng tác và truyền miệng ở trên chiến khu, ở trong tù ngục nên nó có giá trị như thơ ca cách mạng của văn học viết. Vì thế, những năm từ 1930 đến trước 1945, ca dao Vùng mỏ đã có những bước chuyển biến về tư tưởng để làm tiền đề cho sự thay đổi nội dung của ca dao Vùng mỏ sau giải phóng.
Tiếng cười trào lộng
Ca dao Vùng mỏ mang đậm tính khôi hài, trào lộng. Khổ nào bằng chồng ốm, chẳng còn hạt gạo nấu cháo cho chồng, vậy mà người phụ nữ vẫn thấy: “Thương chồng nấu cháo đường xe/ Nấu canh lắc lít, nấu chè bù loong”. Yêu nhau, lấy nhau trong gian khó, cơ cực nhưng vẫn ví von: “Trai làm than lấy gái làm than/ Cưới nhau có một xà lan than đầy”. Họ đã vượt qua được bằng tình yêu thương: “Thuyền than mà đậu bến than/ Thương anh vất vả cơ hàn nắng mưa” và sự đồng cảm không chút màu mè: “Muốn ăn cơm nắm bằng mo/ Trốn cha trốn mẹ vào lò với anh”, hay như: “Nhà anh lương ít nhà nghèo/ Một lời đã hứa, cũng liều vì em/ Không bạc anh vay Tây đen/ Đun xe trả nợ bách niên cũng đành”. Trong cách nói đùa tếu táo của người thợ, có sự xót xa của phận nghèo: “Nàng về anh gửi cái này/ Cái cuốc phần mẹ, chuồng cầy phần cha/ Cuốc chim thì để phần bà/ Còn mai với thuổng làm quà cho ông/ Bao giờ nên vợ nên chồng/ Mua bánh xe hoả cho ông ăn dần...”. Bởi vậy, ca dao Vùng mỏ có nội dung trữ tình sâu sắc nhưng lại gắn liền với nội dung tự sự dồn nén bao cảnh đời uất ức đắng cay.
![]() |
Những cuốn ca dao Vùng mỏ được sưu tầm, xuất bản trong thời gian qua. |
Ca dao Vùng mỏ dùng tiếng cười khi thì giải buồn, khi thì để đả kích kẻ thù. Tả những cai ký tay sai chủ mỏ thì: “Ai sinh ra Hà Sú này/ Có anh cai Bút ngày ngày vênh vang/ Quần lơ lại vận áo vàng/ Chân thì tập tễnh nhưng quàng giầy Tây”. Những kẻ cai mỏ hiện lên hết sức khôi hài, trào lộng: “Vào tầng cũng lắm thằng Tây/ Thằng thì mũ trắng, thằng nay mũ vàng” hay như: “Thằng Tây mặt đỏ bụng to/ Luôn mồm chửi mẹc - sà - lù, ca - soong”, hoặc là “Thằng Tây mặt trắng như vôi/ Trắng răng mũi lõ đuổi tôi thế này”, v.v.. Sự bóc lột tàn nhẫn của cai than, chủ mỏ khiến chúng hiện lên trong mắt phu mỏ như những kẻ dị hợm, với ngoại hình đầy tính trào phúng: “Ông Tây con chó làm thinh/ Ai chê chẳng sợ ai khinh chẳng nhờn”.
Ca dao Vùng mỏ có tiếng cười yêu thương tột bậc và căm giận đến tột cùng, đỉnh cao là tiếng cười trào lộng, đắng cay. Nhưng người thợ mỏ không vì cùng quẫn mà tự phát làm liều. Họ biết vượt lên những đớn đau để không bi luỵ mà vẫn ứng xử tỉnh táo, chủ động và đoàn kết. Đây là một điểm khác biệt trong khí chất của người thợ mỏ.
Cố nhà giáo Tống Khắc Hài từng nhận định: Ca dao Vùng mỏ không những chỉ có giá trị nghiên cứu, bổ sung cho lịch sử văn học dân tộc, trước hết là cho tiến trình văn học dân gian, mà còn là nguồn tư liệu quý giúp ta nhìn lại quá khứ, lịch sử, hiểu giai cấp công nhân một cách chân thực, sinh động. Từ đó giúp ta một cách thiết thực việc giáo dục con người mới, thế hệ mới về tinh thần, phẩm chất của giai cấp công nhân, về ý chí căm thù bọn đế quốc thực dân và bọn tay sai phản động và về lòng yêu nước, yêu Vùng mỏ giàu đẹp, yêu chế độ.
Phạm Học
Ý kiến (0)