Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:42 (GMT +7)
Ca sĩ hát cho thuận miệng, sai lời đang là chuyện phổ biến
Thứ 4, 28/02/2024 | 09:13:47 [GMT +7] A A
Ca sĩ hát sai lời không còn là chuyện hiếm gặp, thậm chí nhiều ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ tên tuổi cũng bị hát sai lời.
Đơn cử trong chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng phát sóng gần đây, ca sĩ Thu Phương, Mỹ Linh, Uyên Linh hát sai lời ca khúc Diễm xưa.
Câu hát "Nhỡ mai trong cơn đau vùi…" bị hát thành "Nhớ mãi trong cơn đau vùi…". Sau đó, nhà sản xuất chương trình, ca sĩ liên hệ gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để xin lỗi.
Nhiều ca khúc nổi tiếng bị hát sai lời
Không những ca khúc Diễm xưa bị hát sai lời, mà nhiều ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị hát sai lời.
Trong bài Một cõi đi về, "con tinh yêu thương" bị hát sai thành "con tim yêu thương". "Bàn tay xanh xao" bị sửa lại là "bàn tay xôn xao" trong ca khúc Nắng thủy tinh.
Với ca khúc Chiều một mình qua phố, câu "Có khi nắng khuya chưa lên" của Trịnh Công Sơn bị đổi thành "Có khi nắng mưa chưa lên".
Ngoài ra, ca khúc Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ thường hát sai câu "Rồi từ đó, trốn phong ba..." thành "Rồi từ đó, chốn phong ba…".
Ca khúc Xóm đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có câu: "qua phên vênh có hai mái đầu…". Có thể do không hiểu nội dung câu từ, ca sĩ hát sai thành "chênh vênh".
Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ thường bị hát sai câu "Rồi những đêm thế trần đón Noel" thành "Rồi những đêm giáo đường/thánh đường đón Noel"...
Về quê ngoại là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu cũng bị ca sĩ hát sai lời. "Anh xin mời em xuôi về miền Trung xa lắc lơ" bị sửa thành "Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ".
Bài Đất nước của nhạc sĩ Trần Lệ Giang có đoạn: "Khi anh nắm tay em mây xám bay chỉ còn ánh trăng ngà" nhưng hầu hết ca sĩ hát rằng "Khi anh nắm tay em mây giăng giăng bay chỉ còn ánh trăng mờ". Việc sửa lời này làm sai hoàn toàn ý nghĩa ca khúc mà tác giả gửi gắm.
Bí quyết hạn chế hát sai lời
Nhiều ca khúc bị hát sai lời có thể do ca sĩ không nắm được nội dung, tinh thần của ca khúc, hoặc tự ý đổi lời để hát thuận miệng hơn…
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nói với Tuổi Trẻ Online: "Ca khúc như một gia tài, đứa con tinh thần không có giá trị vật chất nào có thể mua được. Ngày nay việc hát sai lời trở nên phổ biến là điều không nên, tại vì ca từ khác sẽ làm sai lệch ý nghĩa ca khúc so với bản gốc".
Không chỉ là ca sĩ, Nguyễn Phi Hùng còn thử sức với vai trò nhạc sĩ. Anh từng sáng tác nhiều ca khúc nên anh hiểu rõ tâm huyết của nhạc sĩ đặt để vào từng ca khúc.
Anh chia sẻ kinh nghiệm để hạn chế hát sai lời rằng: "Thứ nhất mình tìm gặp nhạc sĩ (nếu còn sống), họ sẽ là người tư vấn chặt chẽ về ngôn từ.
Thứ hai, trước khi hát, tôi đọc thông tin, hoàn cảnh sáng tác bài hát.
Thứ ba, liên hệ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để tiếp cận văn bản gốc của tác giả, gia đình tác giả đưa ra.
Hiện công nghệ phát triển có nhiều thông tin trên Google và có bài phân tích nội dung ca khúc, tội gì không tìm hiểu".
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()