Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 19:03 (GMT +7)
Ca sĩ Lân Nhã hát nhạc Trịnh: Có tự ý sửa lời?
Thứ 4, 04/10/2023 | 17:13:44 [GMT +7] A A
Chọn làm mới nhạc Trịnh với “Vàng phai trước ngõ”, Lân Nhã vẫn giữ được phong cách quen thuộc. Tuy nhiên, anh lại bị khán giả nhận xét hát sai lời.
Bước ra từ cuộc thi Vietnam Idol 2010, Lân Nhã từng có khoảng thời gian chật vật trước khi được khán giả chú ý. Thay vì theo đuổi dòng nhạc trẻ trung, sôi động, nam ca sĩ chọn các ca khúc trữ tình, phần lớn có giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe.
Gần nhất, Lân Nhã tung MV Vàng phai trước ngõ với phong cách mộc mạc từ âm nhạc đến hình ảnh. Đây là dự án mở màn cho album phòng thu thứ 2 của anh tên Nhiên – tuyển tập ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Hướng đi hợp lý nhưng thiếu bất ngờ
Trước nay, Lân Nhã theo đuổi phong cách quý ông hát nhạc trữ tình, gợi nhớ Tuấn Ngọc, Quang Dũng. Nam ca sĩ từng thử sức với loạt ca khúc nhạc xưa của các tác giả như Phạm Duy, Vũ Thành An, Khúc Lan,…
3 năm trước, anh cũng hát một ca khúc của Trịnh Công Sơn là Chiều một mình qua phố trong live show đầu tiên trong sự nghiệp mang tên Chẳng phải tình cờ (tổ chức cùng Uyên Linh). Do đó, việc Lân Nhã dấn thân vào “mảnh đất” nhạc Trịnh chỉ là điều sớm muộn.
Trong kho tàng sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Vàng phai trước ngõ không phải là một ca khúc đòi hỏi kỹ thuật quá “khủng”. Song, bài hát có phần lời phức tạp, nhiều tầng nghĩa khó bóc tách.
Xét về độ phổ biến, nó không quá quen thuộc với nhiều người nếu so với Diễm xưa, Cát bụi, Biển nhớ… Số ca sĩ từng hát ca khúc này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nổi tiếng nhất là Tuấn Ngọc và Trịnh Vĩnh Trinh. Điều đó tạo thuận lợi, giúp Lân Nhã có cơ hội để đưa cá tính riêng vào một bài hát cũ.
Phần âm nhạc do Dũng Dalat đảm nhận. Bản phối đơn giản theo phong cách acoustic với 2 nhạc cụ chủ đạo là guitar và sáo, thi thoảng có trống chen vào. Các nhạc cụ được sắp xếp khá hợp lý. Tuy nhiên tiếng guitar hơi “hiền”, đôi lúc để cho tiếng sáo lấn át.
Nhưng phải nói rằng âm nhạc đã giúp ca khúc “có hồn” hơn, đồng thời tạo không gian để Lân Nhã thể hiện giọng hát.
Acoustic cũng là hướng đi an toàn từng được nhiều ca sĩ lựa chọn khi hát nhạc xưa. Bởi lẽ nếu phá cách hay làm mới không hợp lý có thể làm hỏng tinh thần bài hát, đồng thời gây phản cảm, nhất là với khán giả trung thành của nhạc Trịnh.
Ứng với phần âm nhạc, Lân Nhã cũng thực hiện MV đơn giản, không màu mè. Ca sĩ và 2 nhạc công trình bày ca khúc trong một triển lãm tranh. Lân Nhã xuất hiện với bộ trang phục đậm chất hoài cổ, gương mặt đôi lúc mơ màng để “phiêu” cùng bài hát.
Lân Nhã có thực sự hát sai lời?
Việc Lân Nhã hát nhạc Trịnh không tránh khỏi những so sánh với các phiên bản trước. Anh vẫn thể hiện được chất giọng trầm ấm và nam tính nhưng cách xử lý còn đơn giản, thiếu điểm nhấn.
Nam ca sĩ chủ yếu tập trung vào lối nhả chữ chậm rãi. Đôi lúc, anh hát tròn trịa quá nên tạo cảm giác hơi tính toán.
So với bản của Trịnh Vĩnh Trinh, cách Lân Nhã hát và nhả chữ có phần dễ chịu và dễ nghe hơn. Song, nếu so với bản của Tuấn Ngọc thì vẫn thiếu một chút trải đời và chiêm nghiệm.
Cách hát của Lân Nhã có thể chưa thuyết phục một số người yêu nhạc Trịnh, nhưng chắc chắc sẽ được lòng khán giả hâm mộ anh. Đó cũng chính là đối tượng chính mà nam ca sĩ hướng đến mỗi khi ra mắt sản phẩm mới.
Trên YouTube, người nghe dành cho Lân Nhã nhiều lời khen như: “Thư giãn”, “nhẹ nhàng”, “sâu lắng”. Bên cạnh đó, có ý kiến cho cho rằng bản phối “nghe không bay, không phiêu bằng nhưng lại dễ nghe hơn” các phiên bản khác.
Tuy nhiên, cũng có người nhận định Lân Nhã đã hát sai lời. Cụ thể, ở đoạn giữa nam ca sĩ hát “một vòng nối ru chiều xuống ruộng” thay vì “ru chiều xuống muộn”. Ở đoạn khác, anh hát "dòng sông nắng cho bờ bến rộng" thay vì “dòng sông ngắn cho bờ bến rộng”.
Song, có lẽ khán giả đang tham chiếu đến lời bài hát Vàng phai trước ngõ trong bản của danh ca Tuấn Ngọc. Bởi lẽ, trong bản của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - thì phần lời hoàn toàn trùng khớp với bản Lân Nhã hát.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn nổi tiếng là người rất tinh tế, tính toán từng câu chữ trong bài hát. Nếu là “chiều xuống muộn” thì hình ảnh này vừa gợi hình, vừa nên thơ. Trong khi đó, từ “ngắn” nếu ở chung một câu với từ “rộng” tạo nên sự tương phản nhất định.
Bản thân ca khúc không quá phổ biến nên cũng khó xác định phần lời nào đúng và Lân Nhã có sai hay không. Tuy nhiên, với một sản phẩm được đầu tư thì chắc chắn ê-kíp đã có sự tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
Nhìn chung, hát nhạc Trịnh là một hướng đi hợp lý của Lân Nhã. Song, nam ca sĩ chưa thể hiện nhiều đột phá khi thử sức với Vàng phai trước ngõ. Sản phẩm chủ yếu để phục vụ những ai yêu tiếng hát Lân Nhã hơn là người yêu nhạc Trịnh Công Sơn.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()