Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:32 (GMT +7)
Cả thầy và trò đều mệt
Thứ 6, 17/11/2006 | 07:23:46 [GMT +7] A A
Trong phiên họp ngày 7-11 vừa qua, Quốc hội đã “mổ xẻ” những yếu kém, bất cập của ngành Giáo dục và kiến nghị những định hướng, giải pháp để chữa trị, khắc phục.
Trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội đã đề cập khá toàn diện và khách quan về bức tranh toàn cảnh thực trạng của nền giáo dục Việt Nam. Theo đó, yếu kém lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn là phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá học sinh và việc dạy chưa đảm bảo yêu cầu học đi đôi với hành. Phương pháp dạy còn nặng nề truyền đạt, thuyết trình kiến thức, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh... Chính điều này đã khiến nhiều giáo viên “khản giọng” trên bục giảng, còn học sinh phải “bò ra” để ghi chép. Vì vậy lượng kiến thức tiếp thu được trong một giờ học là rất hạn chế.
Không chỉ có vậy, về kết cấu chương trình, nội dung sách giáo khoa bậc phổ thông cũng đang gây những áp lực lên cả người dạy và người học. Cụ thể, như nhiều giáo viên nhận xét là nội dung quá nặng, nhất là phần lý thuyết, trong khi đó việc phân bổ thời lượng giảng dạy trên lớp lại có những bất cập. Điều này đã tác động trực tiếp đến giáo viên, sau đó là ảnh hưởng đến học sinh. Đặc biệt đối với chương trình THPT phân ban vừa được triển khai đại trà đã vấp phải sự “phản ứng” của nhiều giáo viên, nhiều hiệu trưởng. Một bất hợp lý của chương trình là nội dung thì tăng nhưng thời lượng phân bổ tiết dạy lại giảm. Như vậy để đảm bảo nội dung và thời lượng buộc nhiều giáo viên phải dạy theo kiểu nhồi nhét. Còn nếu muốn có chất lượng thì phải tăng tiết (dạy thêm ngoài giờ chính khoá) mà điều này lại không được phép.
Trước sức ép nặng nề của việc học, không chỉ các bậc phụ huynh bức xúc mà nhiều học sinh đã không chịu nổi, thậm chí có những phản ứng tiêu cực (một học sinh ở TP Hồ Chí Minh đã tìm đến cái chết vì quá căng thẳng). Một học sinh khác đã phải gửi thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ GDĐT nói lên sự kiệt sức cả về thể chất và trí tuệ khi phải theo chương trình học tập quá nặng.
Một điều thật vô lý, khi chương trình THPT phân ban được biên soạn để sử dụng cho mô hình trường học 2 buổi/ngày (lời lãnh đạo Vụ Trung học – Bộ GDĐT) nhưng thực tế hiện nay số trường có điều kiện học 2 buổi/ngày trên toàn quốc có khi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại sao sự vô lý này cứ bắt học sinh phải gánh chịu?
Những yếu kém, bất cập trong ngành Giáo dục hiện nay còn khá nhiều. Trong lúc chờ Bộ GDĐT tìm phương thuốc chữa trị, chỉnh sửa thì ngành Giáo dục các địa phương và mỗi trường cũng nên chủ động có những giải pháp của mình để đảm bảo tính khoa học trong dạy và học, tránh gây ra áp lực, căng thẳng cho cả giáo viên và học sinh.
Liên kết website
Ý kiến ()