Tất cả chuyên mục

Với đặc điểm có nhiều xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa, cộng thêm hệ sinh thái biển đa dạng, Quảng Ninh được đánh giá là nơi có nguồn dược liệu phong phú, đa dạng. Không những thế, từ xưa đến nay, tỉnh cũng có nhiều thầy lang sinh sống trải khắp tỉnh với các bài thuốc quý… Tuy nhiên, việc kế thừa, phát huy hiệu quả của các bài thuốc này và các loại dược liệu trên địa bàn đến nay chưa được nhiều.
Có thể khẳng định rằng, hệ thống y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh đã có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người dân. Bệnh viện Y dược cổ truyền mới được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất khang trang, một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng đã thành lập được khoa y dược cổ truyền. Tại tuyến xã, hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đang ngày càng phát huy hiệu quả. Tất cả các trạm y tế đều có cán bộ được bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực này, có vườn giới thiệu cây thuốc nam dùng làm mẫu theo quy định của Bộ Y tế để hướng dẫn cho nhân dân biết và sử dụng các loại cây thuốc nam sẵn có tại địa phương để điều trị các bệnh thông thường. Nhiều trạm đã sử dụng phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và thuốc y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân… Công tác nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền những năm gần đây cũng được quan tâm hơn thông qua một số dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về thực trạng nguồn nguyên dược liệu của tỉnh, xây dựng thử nghiệm mô hình nuôi trồng dược liệu… Việc nuôi trồng dược liệu trong nhân dân bước đầu được quan tâm, như: Trồng cây kim ngân, cây nhân trần tại huyện Hoành Bồ, Vân Đồn, Tiên Yên, Cẩm Phả… Nhờ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực được đầu tư… đã thu hút đông đảo bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Năm 2011, trong tổng số hơn 890.000 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thì có gần 100.000 lượt người khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Sự phát triển của Hội đông y Quảng Ninh với sự tham gia của hơn 500 hội viên hàng năm cũng khám, chữa bệnh cho tổng số gần 170.000 lượt người, tiêu thụ khoảng 130 tấn dược liệu và các thành phẩm từ đông dược. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 phòng chẩn trị y học cổ truyền được cấp giấy phép hoạt động.
![]() |
Vườn thuốc nam của Trạm Y tế phường Trần Phú, TP Móng Cái. |
Tiềm năng sử dụng y dược cổ truyền để chữa bệnh cho người dân rất lớn. Trên địa bàn cũng có nhiều thầy lang có các bài thuốc hay, song việc phát triển nguồn dược liệu cũng như kế thừa các bài thuốc, phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do công tác nuôi trồng, khai thác, sử dụng thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Việc khai thác bừa bãi làm nhiều loại cây thuốc quý cạn kiệt. Người dân nuôi trồng, thu hái dược liệu còn hạn chế và có tính tự phát. Do đó, phần lớn thuốc đông dược sử dụng trong công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền trên địa bàn hiện nay phải nhập khẩu, nguồn gốc chất lượng nhiều loại không đảm bảo. Việc khuyến khích các thầy lang cống hiến các bài thuốc hay, bài thuốc quý gặp rất nhiều khó khăn bởi lẽ trong tư duy của họ chỉ truyền bài thuốc cho con, cháu. Trong khi đó chính sách khuyến khích các thầy thuốc cống hiến các bài thuốc hay, cây thuốc quý, kinh nghiệm phòng và chữa bệnh y học cổ truyền chưa có hiệu quả áp dụng về quyền tác giả, quyền sở hữu, nghiên cứu, kế thừa… Hoạt động của Hội Đông y hiện nay thiếu cả cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động nên không có điều kiện để tổ chức các cuộc hội thảo, hay tổ chức đi vận động hội viên. Trước đây, các hội viên chủ yếu là những người đã học đại học, cao đẳng, trung cấp y học cổ truyền, những người được cấp chứng chỉ mới kết nạp vào Hội Đông y nên nhiều thầy lang không có điều kiện tham gia, nhất là các thầy lang ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi nên việc kế thừa đa dạng hoá các bài thuốc y học cổ truyền cũng bị hạn chế. Từ năm 1994 đến nay, Hội Đông y tỉnh mới chỉ sưu tầm được khoảng 100 bài thuốc y dược cổ truyền liên quan đến các bệnh về tiêu hoá, tuần hoàn, tiết niệu, xương khớp, hô hấp, bệnh phụ khoa, côn trùng đốt…
Theo ông Vi Văn Thái, Giám đốc Bệnh viện Y dược Cổ truyền, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh: “So với các tỉnh, thành khác, việc sưu tầm, phát huy các bài thuốc y dược cổ truyền của tỉnh yếu thế hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để mời hội viên, các thầy lang, thông qua đó vận động họ đóng góp các bài thuốc hay, bài thuốc quý cho sự nghiệp phát triển y học cổ truyền của tỉnh. Tuy nhiên, để có được sự cống hiến của họ và sự phát triển bền vững của nguồn dược liệu trên địa bàn vẫn cần sự khuyến khích, vào cuộc của các ngành, địa phương”.
Cầm Khuê
Ý kiến ()