Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:05 (GMT +7)
Các cuộc biểu tình phản đối du lịch lan rộng khắp châu Âu
Thứ 3, 30/07/2024 | 10:04:22 [GMT +7] A A
Mùa hè này, châu Âu chứng kiến làn sóng biểu tình phản đối du lịch gia tăng, đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng như Barcelona, Mallorca, và các khu vực khác ở Tây Ban Nha.
Theo kênh CNN của Mỹ, vào mùa hè này, các cuộc biểu tình phản đối du lịch đã trở thành hiện tượng phổ biến khắp châu Âu, với các cuộc tuần hành diễn ra ở nhiều quốc gia, bao gồm Hà Lan, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Những cuộc biểu tình không chỉ phản ánh sự phản kháng đối với du lịch đại chúng mà còn là nỗi lo ngại ngày càng tăng về tác động tiêu cực của ngành du lịch đối với cuộc sống của cư dân địa phương.
Tại Tây Ban Nha, vào đầu tháng 7, Barcelona đã chứng kiến một cuộc biểu tình đặc biệt đáng chú ý, khi những người biểu tình diễu hành qua các khu vực du lịch nổi tiếng và phun nước vào du khách. Họ hô vang khẩu hiệu: “Khách du lịch hãy về nhà”, thể hiện sự bực bội với lượng du khách ngày càng gia tăng. Gần đây, hàng nghìn người cũng đã tụ tập biểu tình tại đảo Mallorca, chỉ trích mô hình du lịch của hòn đảo này vì chỉ làm giàu cho một số ít người và đẩy người lao động nghèo ra khỏi khu vực.
Một trong những tâm điểm của các cuộc biểu tình là vấn đề tăng giá nhà và giá thuê, dẫn đến tình trạng cư dân địa phương gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Carlos Ramirez, giáo viên 26 tuổi tại Barcelona, cho biết anh đã tiết kiệm nhiều năm để mua nhà nhưng hiện đang lo lắng vì giá nhà tại thành phố đang tăng vọt. Ramirez chỉ ra rằng du lịch đại chúng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này: “Người dân địa phương, đặc biệt là những người trẻ tuổi, ngày càng khó có được nơi ở riêng”.
Theo báo cáo của Thị trưởng Barcelona, Jaume Collboni, giá thuê nhà tại thành phố này đã tăng 68% trong thập kỷ qua, tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều thành phố khác ở châu Âu. Sự gia tăng giá cả đã khiến nhiều cư dân phản đối mạnh mẽ, dẫn đến các cuộc biểu tình và cả các hành động cực đoan.
Những người biểu tình tại Barcelona không chỉ nhắm vào du khách mà còn nhằm gây sức ép lên chính quyền địa phương để thực hiện các thay đổi chính sách. Với khoảng 2.800 người tham gia cuộc biểu tình, sự phản kháng này đã thu hút sự chú ý quốc tế. Ramirez cảm nhận được sự phẫn nộ của cư dân địa phương và cho rằng các cuộc biểu tình đã phần nào đạt được mục tiêu khi làm giảm lượng khách du lịch đến thành phố.
Antje Martins, chuyên gia về du lịch bền vững từ Đại học Queensland, cho rằng các cuộc biểu tình phản ánh sự bất mãn sâu rộng hơn về ngành du lịch không được quản lý bền vững. Bà nhấn mạnh rằng những cuộc phản kháng này không chỉ là sự phản đối đối với du khách mà còn là sự phản ánh của việc cư dân địa phương không nhận được lợi ích từ ngành du lịch.
Để ứng phó với tình hình, một số thành phố châu Âu đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm điều chỉnh lĩnh vực du lịch. Ví dụ, thành phố Venice (Italy) đã áp dụng mức phí vào cửa tạm thời từ ngày 25/4 - 14/7 và thu được hơn 2,4 triệu euro từ mức phí này. Tuy nhiên, một số cư dân tại Venice cho rằng loại phí này không giải quyết được vấn đề mà còn khiến thành phố trở thành một nơi chỉ dành cho du khách.
Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni cũng đã đề xuất tăng thuế du lịch đối với hành khách đi du thuyền và chấm dứt giấy phép cho khoảng 10.000 căn hộ cho thuê ngắn hạn, nhằm giảm tình trạng đông đúc và khôi phục không gian công cộng cho cư dân địa phương.
Những sự cố do hành vi thiếu tôn trọng của du khách cũng đã dẫn đến việc một số thành phố thực hiện các "chiến dịch hủy bỏ tiếp thị" nhằm ngăn chặn một số đối tượng khách du lịch. Thành phố Amsterdam (Hà Lan) đã triển khai chiến dịch “Tránh xa” năm 2023, nhắm vào du khách nam trong độ tuổi 18 đến 35 với các quảng cáo cảnh báo về hành vi phản xã hội.
Theo các chuyên gia, giải pháp lâu dài cho vấn đề này là đầu tư vào cộng đồng địa phương và cải thiện quản lý du lịch bền vững. Giáo sư ngành du lịch tại Trường Kinh doanh Copenhagen cho rằng mục tiêu là để đảm bảo rằng tiền do khách du lịch mang lại được đầu tư vào địa phương, giúp cư dân có thể tiếp tục sống và làm việc tại nơi họ sinh sống.
Trong khi các cuộc biểu tình và phản ứng tiếp tục diễn ra, một điều rõ ràng là châu Âu cần phải tìm ra cách cân bằng giữa lợi ích kinh tế từ du lịch và quyền lợi của cư dân địa phương, nhằm xây dựng một mô hình du lịch bền vững hơn trong tương lai.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()