Nhiều nguyên nhân dẫn tới hổ chết
Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã có 8 trong số 17 cá thể hổ thu giữ hôm 4/8 tại hai hộ gia đình ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) chết. Đây là tang vật của vụ án, được nhóm chuyên án bắn thuốc mê, chuyển tới một khu sinh thái ở Nghệ An chăm sóc và phục vụ điều tra.
Nói về khả năng 8 cá thể hổ bị chết sau khi được cứu hộ, bà Hoàng Thị Thu Thủy, bác sĩ thú y, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho rằng có thể do nhiều nguyên nhân cộng dồn. Việc hổ nuôi nhốt trong hệ thống tầng hầm kín sẽ không bảo đảm sức khỏe, hổ dễ bị bệnh về tim mạch, các bệnh về gan, thận.
Ngoài ra việc tuân thủ quy trình cứu hộ cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tâm lý của động vật. Theo bác sĩ Thủy, quy trình cứu hộ động vật hoang dã cỡ lớn rất phức tạp. Thông thường động vật phải được kiểm tra, theo dõi sức khỏe toàn diện trước khi gây mê. Liều lượng thuốc gây mê phụ thuộc vào sức khỏe và tâm lý của động vật.
Đối với hổ, thông thường, liều gây mê là 3-4 mg/kg thể trọng. Tuy nhiên, đối với những cá thể hổ bị stress, quá căng thẳng trong quá trình vận chuyển thì liều lượng có thể cao hơn, đến 10 mg/kg.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW lý giải thêm, động vật lớn, sau khi gây mê 2-4 tiếng mới được di chuyển. Phải để chúng nằm trong chuồng yên tĩnh, bao bọc kín để tạo cảm giác an toàn rồi mới đưa đến điểm cứu hộ. Việc vận chuyển hổ cũng phải nhẹ nhàng, không gây ra tâm lý hoảng sợ...
Ngoài ra, ông Thái nhận định đây là một chuyên án, việc nhận biết chính xác có bao nhiêu cá thể hổ, trọng lượng trung bình bao nhiêu... trước khi giải cứu là thấp. Việc đánh án lại phải thực hiện rất nhanh, bí mật, do đó đơn vị thú y có ít thông tin về cá thể giải cứu để xác định liều lượng thuốc gây mê phù hợp. Nếu chỉ dựa trên trọng lượng trung bình của một cá thể hổ là 80-100 kg thì các cá thể hổ giải cứu đều nặng hơn nhiều, có con lên đến gần 300 kg. Liều lượng thuốc gây mê khi đó sẽ phải tăng lên dựa trên trọng lượng của hổ, là một nguy cơ.
"Liều lượng thuốc gây mê dành cho hổ đang nằm yên tĩnh, không bị ức chế, khác nhiều so với hổ bị căng thẳng, kìm kẹp. Động vật đang stress thì khả năng ức chế thuốc gây mê rất lớn", ông Thái nói.
Gây mê quá liều có thể nghẽn đường thở
BS Thủy cho biết, loại thuốc gây mê duy nhất mà các cơ quan thú y được phép sử dụng hiện nay là Zolecyl. Loại thuốc này, nếu sử dụng quá liều (gấp 5-10 lần hàm lượng tiêu chuẩn), có thể gây nghẽn đường thở, suy tim.
Hiện ở SVW, ngoài thuốc gây mê còn sử dụng thêm một loại thuốc khác là Medecomidine, là thuốc tiền mê. Thuốc này có tác dụng làm giảm lượng thuốc mê có trong động vật, có khả năng hồi mê theo ý muốn. Nếu chỉ sử dụng thuốc gây mê thông thường, động vật chỉ tỉnh khi hết thuốc. Nhưng sử dụng thuốc này, có thể đánh thức động vật trong quá trình gây mê.
"Mỗi khi cứu hộ các cá thể động vật như gấu, bò, voi... chúng tôi đều lên kế hoạch rất chi tiết. Có khi dành đến 2-3 ngày chỉ để quan sát xem động vật có gì bất thường, căng thẳng hay không... từ đó mới định lượng thuốc gây mê phù hợp", BS Hoàng Thị Thu Thủy nói.
Hổ nuôi trong điều kiện tự nhiên có trọng lượng trung bình 80-100 kg. Nhưng nuôi nhốt ở chuồng kín, không có ánh sáng, sử dụng thức ăn kiểu "vỗ béo" nên có những con hổ nặng gần 300 kg. "Trong số hổ bị chết, có con trên 200 kg. Trên nền sức khỏe đó, nếu sử dụng thuốc gây mê quá liều thì rủi ro sẽ rất cao", vị chuyên gia này nói.
GS.TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, muốn vận chuyển động vật nhóm thú dữ phải có sự nghiên cứu cẩn trọng của bên thú y. Nguyên nhân của những cá thể hổ bị chết, có thể do sức khỏe quá kém vì sống trong môi trường nuôi nhốt không đảm bảo.
"Tới đây, khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật sẽ giám định tên loài và tình trạng bảo tồn của những cá thể hổ này", GS Trường nói. Sau khi phân tích ADN, các nhà khoa học sẽ so sánh với ngân hàng gene thế giới để biết cá thể hổ đó thuộc loài nào. Nếu là hổ Việt Nam sẽ áp quy định bảo tồn theo Nghị định 64 (loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ), còn hổ có nguồn gốc từ nước ngoài áp theo Nghị định 06 (quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp).
Trước đó hôm 4/8, Công an Nghệ An đã thu giữ tang vật là 17 con hổ nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã tại hai hộ gia đình ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Các con hổ được gây mê, chuyển tới một khu sinh thái ở Nghệ An để gửi chăm sóc và phục vụ điều tra. Sau đó 5/17 con hổ này đã chết. Chiều 6/8, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An xác nhận thông tin và cho biết, việc khám nghiệm đã được thực hiện và xác hổ được cấp đông để phục vụ điều tra.
Ý kiến ()