Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:13 (GMT +7)
Các giai đoạn phát triển của ngôn ngữ người Việt
Thứ 5, 08/09/2022 | 11:35:52 [GMT +7] A A
Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, tìm hiểu sự phát triển của ngôn ngữ người Việt cũng chính là tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Bởi lịch sử phát triển của ngôn ngữ người Việt là cơ sở để xem xét cội nguồn văn hóa Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”.
Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8.9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của ngôn ngữ là việc làm cần thiết
GS.TS Trần Trí Dõi - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN - cho rằng, để có thể đi sâu vào xem xét cội nguồn văn hóa Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu những hiện tượng biến đổi lịch sử của ngôn ngữ người Việt, trước hết phải nhận diện xem ngôn ngữ đã có những giai đoạn phát triển như thế nào từ thời tiền ngôn ngữ cho đến hiện nay. Đồng thời xem xét sự phát triển ấy của ngôn ngữ trong mối quan hệ tương ứng với tiền trình phát triển lịch sử của người Việt.
Việc xác định những mốc phát triển của ngôn ngữ thường chỉ mang tính tương đối, thời điểm đánh dấu những khoảng cách phát triển ngôn ngữ có thể là một quãng thời gian cụ thể, nhưng cũng có thể là một quá trình xảy ra trong một quãng thời gian nhất định. Vậy nên, theo GS.TS Trần Trí Dõi thì việc nhận thức rõ đặc điểm tương đối của thời gian được thể hiện như thế nào trong nghiên cứu lịch sử là một việc làm cần thiết.
Phân chia các giai đoạn phát triển của ngôn ngữ cần phải lựa chọn những tiêu chí thích ứng với đặc điểm riêng, dù là tiếp cận ở khía cạnh nào thì khi phân chia người ta luôn luôn tôn trọng những nguyên tắc mà ngôn ngữ học so sánh - lịch sử đã đúc kết lại. Theo đó với phương pháp nghiên cứu của phân ngành ngôn ngữ này tư liệu ngôn ngữ luôn luôn là cơ sở, thước đo của mọi sự phân tích, mọi sự phán đoán và lý giải. Trên cơ sở thực tế đó, người ta thường sử dụng một số cách phân chia giai đoạn phát triển của ngôn ngữ sau: Theo nguyên tắc “phục nguyên”; dựa vào tài liệu lịch sử cụ thể.
Giữa những cách phân chia ấy có những điểm tương đồng và khác biệt, tuy nhiên trong những cách phân loại ấy cách nào được tiến hành trên những tư liệu đầy đủ và hợp lý hơn thì sẽ đảm bảo tính khách quan hơn. Bởi trong nghiên cứu lịch sử tư liệu rất quan trọng, tư liệu tốt và càng gần với sự thật sẽ giúp cho công trình tiệm cận gần hơn với sự thật lịch sử.
Các giai đoạn phát triển của ngôn ngữ người Việt
Ở Việt Nam người đầu tiên nêu ra và áp dụng phân chia ngôn ngữ người Việt là giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, ông đề nghị phân chia lịch sử 12 thế kỷ của ngôn ngữ người Việt thành 6 giai đoạn cụ thể.
1/ Giai đoạn Proto Việt (tiền Việt): Có 2 ngôn ngữ là tiếng Hán và tiếng Việt, có 1 kiểu văn tự là chữ Hán. Tồn tại vào khoảng thế kỷ VIII và IX.
2/ Giai đoạn tiếng Việt tiền cổ (cổ xưa): Có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và văn ngôn Hán; có 1 kiểu văn tự là chữ Hán. Tồn tại vào khoảng thế kỷ X, XI, XII.
3/ Giai đoạn tiếng Việt cổ: Có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và văn ngôn Hán; có 2 văn tự là chữ Hán và chữ Nôm. Tồn tại từ thế kỷ XIII đến XVI.
4/ Giai đoạn tiếng Việt trung đại: Có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và văn ngôn Hán; có 3 văn tự là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Tồn tại vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX.
5/ Giai đoạn tiếng Việt cận đại: Có 3 ngôn ngữ là tiếng Pháp, tiếng Việt và văn ngôn Hán; có 4 văn tự là chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ. Tồn tại vào thời gian Pháp thuộc (1884-1945).
6/ Giai đoạn tiếng Việt hiện nay: Có 1 ngôn ngữ là tiếng Việt; có 1 văn tự là chữ Quốc ngữ. Tồn tại từ năm 1945 đến nay.
GS.TS Trần Trí Dõi cho rằng, cách phân chia của GS Nguyễn Tài Cẩn có ưu thế là phản ánh rõ nét tương tác xã hội của lịch sử dân tộc. Qua cách phân chia này người ta có thể hình dung được trạng thái xã hội ngôn ngữ của cộng đồng này.
Như vậy ngôn ngữ người Việt từ trong lịch sử đến hiện tại đã trải qua rất nhiều quá trình biến đổi, tùy theo từng cách phân chia khác nhau mà các nhà khoa học chia thành từng thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên các cách phân chia dù có tương đồng hay khác biệt, thì nó cũng đều phản ánh được vị thế, vai trò xã hội của ngôn ngữ trong lịch sử phát triển của nó, từ đó nhận biết vai trò của văn hóa ngôn ngữ trong sự phát triển xã hội của người Việt.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()