Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:08 (GMT +7)
Các nước Vùng Vịnh lo sợ xảy ra xung đột giữa Iran và Israel
Thứ 3, 09/04/2024 | 11:39:51 [GMT +7] A A
Lo sợ rằng tình trạng thù địch giữa Israel và Iran có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, các quốc gia Vùng Vịnh muốn tránh "sức nóng" càng nhiều càng tốt.
Theo nhận định của ông Giorgio Cafiero, Phó Giáo sư tại Đại học Georgetown, hầu hết các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đều lên án vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Iran tại Syria và xung đột Iran - Israel là điều họ sợ nhất.
Từ quan điểm của nhiều chính phủ trên thế giới, vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Damascus vào ngày 1/4 là một bước leo thang căng thẳng mới. Vụ tấn công làm ít nhất 11 người thiệt mạng, trong đó có nhiều tướng thuộc các đơn vị tinh nhuệ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tehran cảnh báo trả đũa.
Quốc gia đầu tiên lên án vụ không kích lại là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra, Bộ Ngoại giao UAE đã đưa ra một tuyên bố lên án hành vi tấn công cơ quan ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus của Syria. Sau đó, bốn thành viên khác của GCC – Kuwait, Oman, Qatar và Saudi Arabia - cũng lên án vụ tấn công, ngoại trừ Bahrain.
Điều này không giống như sau vụ sát hại Tướng Iran Qassem Soleimani năm 2020, khi các quốc gia GCC, đặc biệt là Oman và Qatar, kêu gọi giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran. Tuy nhiên, không có nước Arab nào ở Vịnh Ba Tư lên án thẳng thắn việc ám sát ông Soleimani.
Lần này, giới lãnh đạo UAE có những lo ngại sâu sắc và không muốn bị cuốn vào xu hướng leo thang thù địch trong khu vực. Việc UAE bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020 thông qua Hiệp định Abraham khiến quốc gia vùng Vịnh Ba Tư này ngày càng dễ bị tổn thương trước những biến động bạo lực ở Trung Đông.
UAE có lý do để lo ngại bị các lực lượng thân Iran trong thế giới Arab tấn công, đặc biệt là sau khi Houthi tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Abu Dhabi năm 2022. Hiện tại, UAE không muốn các lực lượng đó tấn công các nhà ngoại giao, công dân hoặc lợi ích của Israel trên đất UAE để trả đũa vụ tấn công ngày 1/4 ở Damascus.
Vì Dubai là một điểm đến du lịch nổi tiếng, là trung tâm tài chính và kinh doanh ở Trung Đông nên thương hiệu của UAE phụ thuộc rất nhiều vào hòa bình và ổn định.
Bằng cách sớm lên án cuộc không kích vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Damascus, giới lãnh đạo ở UAE dường như muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tehran và nhiều nhóm thân Iran ở Trung Đông. Bất chấp việc UAE bình thường hóa quan hệ với Israel và từ chối bãi bỏ Hiệp định Abraham để phản ứng với chiến dịch quân sự của Tel Aviv ở Gaza kể từ tháng 10/2023, UAE ngày càng tự tin và lên tiếng chỉ trích một số hành động nhất định của Israel.
Hôm 2/4, UAE cũng nhanh chóng lên án việc lực lượng Israel tấn công nhầm vào một đoàn xe cứu trợ khiến 6 nhân viên cứu trợ quốc tế của tổ chức World Central Kitchen thiệt mạng. Trong bối cảnh rộng lớn hơn, UAE đang nỗ lực thực hiện một cách tiếp cận ngày càng không liên kết đối với các vấn đề địa chính trị. Điều này đòi hỏi UAE phải tìm cách duy trì mối quan hệ tích cực với nhiều quốc gia ở Trung Đông – Iran, Israel, Syria, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ – cũng như tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoài ra, UAE còn củng cố mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực từng có quan hệ tiêu cực với mình, trong đó có Iran. Đồng thời, UAE đang đa dạng hóa quan hệ đối tác toàn cầu bằng cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Hiệu ứng nguy hiểm
Sau vụ tấn công Đại sứ quán Iran, 5 trong số sáu thành viên GCC đã nhanh chóng lên án vụ việc, trong bối cảnh các quan chức Arab Vùng Vịnh đang thực hiện các bước ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza càng sớm càng tốt. Các nước này lo ngại xung đột sẽ lan sang Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz. Kịch bản này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của các quốc gia và đe dọa an ninh.
Saudi Arabia đã chuyển sang áp dụng cách tiếp cận tương tự như UAE trong việc phản ứng với cuộc tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria. Saudi Arabia đã ra một tuyên bố phản đối dứt khoát hành vi tấn công các cơ sở ngoại giao vì bất kỳ lý do nào và điều đó là vi phạm luật ngoại giao quốc tế cũng như các quy tắc miễn trừ ngoại giao. Tuy nhiên, chưa bao giờ Saudi Arabia chính thức chỉ đích danh Israel thực hiện cuộc không kích này.
Với các thành viên GCC còn lại, Kuwait, Oman và Qatar không coi Iran là mối đe dọa lớn. Trong ba thập kỷ qua, Oman và Qatar đã đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa phương Tây và Tehran. Kể từ tháng 10/2023, các nước này đã dùng ngôn từ mạnh mẽ để lên án cuộc chiến của Israel nhằm vào Gaza.
Tóm lại, lo sợ rằng sự thù địch giữa Israel và Iran có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, các quốc gia GCC muốn tránh "sức nóng" càng nhiều càng tốt. Khi Israel gia tăng căng thẳng với Iran, UAE, Saudi Arabia và các thành viên GCC khác muốn Tehran biết rằng họ không liên quan gì đến hành vi như vậy của Israel và đang lên án hành động đó.
Tại thời điểm này, UAE, Saudi Arabia và các thành viên GCC còn lại có những lo ngại đáng kể về việc chiến tranh tiếp tục kéo dài ở Gaza và những tác động lan tỏa sẽ đe dọa lợi ích quốc gia ngày càng nặng nề. Vì nhiều lý do, các quốc gia Arab Vùng Vịnh rất muốn một lệnh ngừng bắn được thực hiện ngay lập tức.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()